Hạnh Phúc Đích Thực ?!
Một đêm nọ trong ca trực mình cấp cứu một bệnh nhân Nam 18 tuổi, thể trạng khá tốt, có phần khoẻ mạnh (to cao hơn bác sĩ là mình rất nhiều) được gia đình đưa vào viện vì co giật, miệng sùi bọt trắng, hai mắt trợn ngược : Bệnh nhân đang trong cơn động kinh toàn thể (!!!)
Sau một hồi “vật lộn” với bệnh nhân theo đúng nghĩa đen, cuối cùng cũng cắt được cơn co giật cho bệnh nhân
Trong khi tiến hành đảm bảo thông khí và dự phòng cơn động kinh tái phát, mình mới tìm gặp gia đình người bệnh :
Bố mẹ bệnh nhân đều có mặt, hai cụ đều đã ngoài 60, tóc bạc phơ, đây là cậu con trai hiếm muộn hai cụ may mắn có được sau khi kết hôn đã lâu, năm lên 3 tuổi cậu con trai không may bị sốt cao, co giật, viêm màng não nhưng không được điều trị kịp thời, từ thời gian đó trở đi, dù cơ thể vẫn phát triển bình thường nhưng tâm trí của cậu chỉ dừng lại như một đứa trẻ 3 tuổi …
Cơn động kinh ở người trưởng thành không hiếm gặp trên lâm sàng, tuy nhiên nếu được quản lý và dự phòng tốt bằng thuốc chống động kinh thường không tái phát, người bệnh vẫn có một cuộc sống bình thường mà không phải lo lắng gì nhiều (…)
Cơn động kinh tái phát thường do người bệnh bỏ thuốc hoặc một bệnh lý nội khoa khác (nhiễm trùng thần kinh trung ương) làm thúc đẩy diễn biến bệnh mà cơn động kinh là biểu hiện đầu tiên …
Nhìn nỗi mệt nhọc hằn sâu trên gương mặt hai cụ – là bố mẹ ruột của bệnh nhân, như còn đang ẩn dấu một điều gì đó chưa thể nói ra : Mình mới mời vào phòng giao ban trong khoa, hỏi rõ hơn về quá trình diễn biến bệnh, mình nghĩ rằng bệnh nhân đã có tiền sử động kinh từ lâu, sử dụng thuốc đều đặn hàng ngày thì ít có khả năng tái phát cơn co giật, cần tìm hiểu kỹ hơn để tìm ra cốt lõi của vấn đề …
Lúc này mẹ bệnh nhân vừa rưng rưng nước mắt kể lại :
-Thực ra vốn dĩ bệnh nhân vẫn sử dụng thuốc chống động kinh đều đặn nhiều năm nay, không hề có cơn co giật tái phát, nếu có cũng thoáng qua mà thôi
Nhưng gần đây hai cụ bỗng cảm thấy chán nản vì mỗi ngày trôi qua nhìn con tuy thân hình cao lớn, nhưng trí não lại chỉ như trẻ lên ba, ngày ngày uống thuốc để duy trì cuộc sống, hai cụ thấy con sống như vậy khổ cực và bất hạnh quá, có phần không đành lòng, nên gần một tháng nay quyết định ngưng thuốc cho con, dù có hậu quả như thế nào cũng chấp nhận …
Chỉ sau 1 tuần ngưng thuốc, bệnh nhân xuất hiện các cơn co giật ngày càng nhiều hơn, đến hôm nay thì xuất hiện cơn kéo dài, không tự cắt cơn như những lần trước, cơn co giật kéo dài quá lâu khiến bệnh nhân mất ý thức (hoàng hôn sau cơn động kinh) nên hai cụ đưa con vào viện cấp cứu (…)
Lúc này các kết quả xét nghiệm trả về cũng cho kết quả bình thường, hình ảnh chụp cộng hưởng từ (MRI) Sọ Não cũng cho kết quả bình thường, không ghi nhận các tổn thương thực thể của não (…)
Bệnh nhân cũng đã dần hồi phục tri giác, gọi hỏi trả lời đúng họ tên mặc dù còn đôi chút sợ hãi vì hoàn toàn không nhớ những chuyện đã xảy ra trong vài giờ đồng hồ trước đây
Như vậy có thể kết luận nguyên nhân khiến bệnh nhân khởi phát các cơn co giật đã được làm rõ : Là do thân nhân người bệnh tự ý ngưng thuốc điều trị, ngoài ra không có yếu tố thúc đẩy như nhiễm trùng thần kinh trung ương, chấn thương hy bệnh lý thực thể nào khác (u não, xuất huyết não …vv) cũng đã được loại trừ
Bệnh nhân hoàn toàn khoẻ mạnh
Với vai trò của một bác sĩ trực khoa Hồi Sức Cấp Cứu đối với trường hợp bệnh nhân này như vậy là cơ bản đã hoàn thành : Bệnh nhân đã không còn nguy hiểm và đã có thể chuyển sang chuyên khoa Thần Kinh để điều trị tiếp … vì trong đêm trực mình vẫn còn nhiều bệnh nhân nặng khác cần được xử trí
Tuy nhiên sau khi nghe bác sĩ giải thích về tình trạng bệnh, bố mẹ bệnh nhân từ chối điều trị tiếp và xin cho con mình xuất viện, chấp nhận ký vào hồ sơ bệnh án, sẵn sàng chấp nhận những nguy cơ có thể xảy ra … vì họ cơ bản không muốn con mình tiếp tục cuộc sống phải phụ thuộc vào thuốc chống động kinh hàng ngày nữa (!!!)
Mặc dù mình đã toan đứng dậy chạy ra khỏi phòng giao ban vì tuyến dưới lại mới chuyển tuyến lên một bệnh nhân nặng hơn đang cần xử trí (!!!) Tuy nhiên một lần nữa mình mời hai cụ là bố mẹ ruột của bệnh nhân ngồi lại : Một mặt mình nhờ bác sĩ cột 2 trực cùng (tua trực chỉ có 2 bác sĩ) xử trí ban đầu bệnh nhân nặng mới tiếp nhận, giữ cho bệnh nhân ổn định các dấu hiệu sinh tồn trước, còn mình ngồi lại chia sẻ với bố mẹ bệnh nhân một lần nữa (…)
Mình chia sẻ với hai cụ về “Hạnh Phúc Đích Thực”
Mình nhẹ nhàng nói :
“Hai bác ạ, cháu tuy còn trẻ tuổi, mới bước chân vào lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ chưa lâu, cũng không phải bác sĩ chuyên gia về thần kinh học, chỉ đơn giản là bác sĩ cấp cứu thiên về xử trí ban đầu …
Nhưng cháu hiểu được nỗi vất vả, những chán trường và sự căng thẳng của thân nhân gia đình người mắc bệnh mãn tính phải chiến đấu với bệnh tật từ năm này qua năm khác mà không hề có hi vọng chữa khỏi, họ phải sống suốt cuộc đời với căn bệnh của mình …
Tuy nhiên, với trường hợp của em nhà mình : Cháu nghĩ hai bác vẫn nên tiếp tục điều trị thuốc cho em (!!!)”
Hai cụ lúc này đã rưng rưng nước mắt, mẹ bệnh nhân đã lặng lẽ đưa khăn tay lên lau nhẹ hai hành nước mắt đang lăn trên gò má
Mình nhẹ nhàng nói tiếp :
“Cháu biết hai bác nghĩ con mình chậm phát triển trí tuệ, sống như vậy là bất hạnh, là khổ cả đời …
Nhưng sự thực sướng khổ trên đời là do suy nghĩ chủ quan, dù hai bác là cha mẹ ruột của bệnh nhân cũng không ngoại lệ, cá nhân cháu đánh giá, em không hề khổ …
Mà ngược lại : em vô cùng may mắn và hạnh phúc (!!!)
-Em may mắn vì được sinh ra trong một gia đình có bố mẹ hiền lành tốt bụng, tràn ngập tình yêu thương, chưa bao giờ rời bỏ con mình vì lý do gì đi chăng nữa
-Em hạnh phúc vì mỗi ngày đều được là chính mình, được ăn, được ngủ, được chơi đùa, được ở bên cạnh bố mẹ và người thân, trong gia đình ấm cúng
Như vậy chẳng phải là em vẫn luôn được làm những gì mà bản thân đang thật sự mong muốn đấy ư (???!!!)
Ở tầm tuổi của em, những người khác đang phải lo lắng cơm áo gạo tiền, đua đòi hơn thua với đời hay thậm chí là nếm trải thất bại đắng cay …
Chưa kể với những người mắc những bệnh nan y khác không thể chữa khỏi khác, thậm chí khônh thể quay về với cuộc sống bình thường – thì em chẳng phải đang hạnh phúc và may mắn rất nhiều hay sao (?!)
Nói đến đây cụ bà đã không kìm được nước mắt, khóc nấc lên thành tiếng, cụ ông vốn kiệm lời cũng run run chia sẻ với mình :
-Nói thật với bác sĩ, cháu nó ở nhà bữa nào cũng ăn rất ngon miệng, ngủ rất đúng giờ, mười mấy năm qua lúc nào cũng nghe lời bố gọi mẹ chưa bao giờ đi ra khỏi nhà quá xa …
Mình cười bảo :
-Thay vì áp đặt suy nghĩ của mình về sướng khổ lên con, tại sao hai bác không suy nghĩ theo hướng khác, hãy để con tận hưởng niềm hạnh phúc của riêng mình
Khác biệt với những đứa trẻ khác không phải là tội lỗi, càng không phải là bất hạnh …
———***———
Sau khi nghe mình chia sẻ, bố mẹ bệnh nhân đã đồng ý để cho con mình nhập khoa Tâm Thần Kinh tiếp tục điều trị, và cam kết sẽ đưa con đi khám và lấy thuốc định kỳ, sẽ vui vẻ để con tận hưởng cuộc sống tươi đẹp phía trước …
Bệnh nhân được xuất viện sau đó ít lâu, hoàn toàn không xuất hiện thêm cơn co giật nhiều tháng sau đó.
Quả vậy :
Hạnh phúc đích thực là do bản thân mỗi người tự cảm nhận
———***———
Buổi sáng chủ nhật nọ, mình cũng trực khoa cấp cứu, đang quay cuồng cấp cứu bệnh nhân nặng với đủ thứ bệnh tật trên đời thì từ ngoài cửa khoa cấp cứu mình thoáng thấy bóng mẹ bệnh nhân quen thuộc đang đưa cậu con trai chậm phát triển trí tuệ đi vào …
Nhìn cậu con trai đi lại nói cười bình thường, mình ngạc nhiên hỏi dồn :
-Ơ cháu nhà mình lại bị làm sao thế cô ?!
Cháu lại lên cơn co giật ạ
Hay có vấn để gì khác (???!!!)
Mẹ bệnh nhân thật thà trả lời :
-À, cô cho em nó uống thuốc đầy đủ mấy tháng nay không có cơn động kinh nào rồi
Cô chú cũng dành nhiều thời gian để ở bên cạnh em nó nữa, cả nhà 3 người thấy cuộc sống vui vẻ hơn nhiều bác sĩ ạ (…)
-Thế vì sao cô lại vào khoa cấp cứu ?!
-Thế này bác sĩ ạ, vấn để là cô chú thấy em ăn được, nên cho em ăn nhiều quá, nên gần đây em tăng cân quá nhanh không kiểm soát được, cô chú sợ em bị béo phì (!!!)
Nên hôm nay dắt vào viện nhờ bác sĩ xem giúp
Mình thờ phào nhẹ nhõm bảo :
-Thôi để bác sĩ hướng dẫn cô qua bên tư vấn dinh dưỡng, chứ ăn uống nằm ngoài khả năng của bác sĩ cấp cứu rồi …
Hạnh Phúc Đích Thực
Sài Gòn
28.9.2020
#DrKitchen