Sai Mật Khẩu
7 giờ sáng khoa cấp cứu đông như hội, vì đặc thù công việc “phức tạp” nơi “đầu sóng ngọn gió” : Các bác sĩ không chỉ có nhiệm vụ tiếp nhận, khám, phân loại và xử trí ban đầu những trường hợp bệnh nặng, mà còn kiêm thêm nhiệm vụ “đón tiếp” và “giải quyết” những mối quan hệ thân quen gửi gắm không chính thống từ khắp mọi nơi – khiến công việc trở nên phức tạp hơn gấp nhiều lần …
Đôi khi, chính bản thân người bệnh cũng “lợi dụng” sự đông đúc và phức tạp của khoa cấp cứu mà giả vờ, khai gian bệnh sử cũng như tăng mức độ tình trạng bệnh khiến các bác sĩ không biết đâu mà lần …
Tâm lý luôn muốn bản thân được ưu tiên, được đối xử đặc biệt, vô hình chung làm ảnh hưởng đến quá trình cấp cứu những bệnh nhân nặng hơn khác
Suy cho cùng thì ý thức cộng đồng của người dân chưa bao giờ tệ đến như bây giờ, mặc cho nghịch lý đời sống vật chất ngày càng được nâng cao – là do mặt trái của kinh tế thị trường hay là do bản chất văn hoá của người Việt (???!!!)
Đến khi gặp bác sĩ “cứng” về chuyên môn, họ không “khai gian” được thì lại bắt đầu lôi các mối quan hệ cá nhân ra để “dằn mặt” các bác sĩ (!!!)
Các mối quan hệ thường “dây mơ rễ má” vô cùng phức tạp : Một bác xe ôm ngoài cổng sứt chân tí không có đủ 200 nghìn đóng tạm ứng nhưng cũng có anh rể con nhà bác ruột quen cán bộ trên sở y tế (???!!!) Một thanh niên văn phòng bình thường khoẻ mạnh sốt nhẹ 37,5 độ C nhưng cũng có bạn của chị họ bên ngoại xa làm thư ký cho chủ tịch quen với giám đốc bên Bộ Y Tế (???!!!)
Thế là chỉ cần vài cú điện thoại qua lại và nghe thông tin từ một chiều, những sức ép vô hình có thể khiến cả khoa cấp cứu náo loạn, đường dây nóng có thể ngay lập tức “nóng” lên và những bệnh nhân nặng đang cần tập trung nhân lực phải tạm ngưng để “giải quyết” những trường hợp “nhạy cảm quan hệ” mà chẳng có vấn đề gì về bệnh tật (…)
Đôi khi người bệnh truyền tai nhau từ quán nước ngoài cổng bệnh viện bảo cứ vào khoa cấp cứu bảo “tôi là người nhà anh này anh này là nhân viên trong viện” sẽ được bọn nó làm cho nhanh lắm (!!!) Hệt như một câu “thần chú”
Mỗi lần đọc “thần chú” như thế, bác sĩ thường nhanh chóng “cho qua” mà chẳng có thời gian kiểm chứng lại xem “có phải người quen” của nhân viên trong bệnh viện thật không, vì còn đang bận làm việc khác, nhưng chỉ cần hỏi kỹ thêm một số câu hỏi như “quen anh nào quê ở đâu, làm khoa nào, có số điện thoại anh đó không …vv” là sẽ rõ thực hư, mà thường là không phải quen biết thật sự
Sáng nay vừa lo khám bệnh nhân vừa viết nốt giao ban, thì gặp ba bốn thanh niên to khoẻ cùng chạy vào cấp cứu đi lại rất oai phong hùng dũng (!!!) Mình nhẹ nhàng hỏi “Thế các anh bị làm sao mà phải vào khoa cấp cứu ???!!!” Thì mấy thanh niên cười bảo bọn em quen anh H trên khoa xét nghiệm, vào đây làm kiểm tra sức khoẻ cho nhanh, nhờ bác sĩ giúp dùm …
Mình mới ngớ người bảo anh H nào nhỉ, trên khoa xét nghiệm hiện tại không có anh H nào cả (!!!???)
Điều dưỡng trưởng tra cứu thì thấy chỉ có anh H trên khoa xét nghiệm đã nghỉ việc mấy năm trước rồi, giờ đang làm viện khác …
Mình cười bảo :
-Các đồng chí Update lại đi
Lần này “Sai Password” rồi …
#DrKitchen
Sài Gòn
9.9.2020