CÒN … 1 GIƯỜNG
Bệnh nhân Nam 50 tuổi, tiền sử khoẻ mạnh, không bệnh nền, bệnh nhân sốt nóng 4-5 ngày (không rõ nhiệt độ), sang ngày thứ 06 bệnh nhân khó thở, mệt, bước đi choáng váng không vững (dấu hiệu thiếu oxi não) Kiểm tra thấy chỉ số SpO2 giảm nghiêm trọng – SpO2 còn 40% (!!!) Nên được nhập viện cấp cứu
Gia đình bệnh nhân có 3 người đều nhiễm bệnh, trong đó người chồng – là bệnh nhân – bị nặng nhất, vợ và con gái triệu chứng nhẹ hơn, hiện đang cách ly …
Bệnh nhân vào viện nhanh chóng rơi vào suy hô hấp, nội khí quản thở máy chỉ số SpO2 cải thiện rất ít : Hình Ảnh XQ ngực hai phế trường gần như “nát” hết, Chụp Cắt Lớp CT-Scaner Ngực hình ảnh còn tệ hơn rất nhiều, bệnh nhân gần như đông đặc toàn bộ 2 phổi, không còn vùng phổi lành để thực hiện chức năng hô hấp, với lá phổi đông đặc nghiêm trọng như thế này cộng thêm tình trạng oxi máu không cải thiện – bệnh nhân cần can thiệp các kỹ thuật cao (có thể cần ECMO mới mong giữ được mạng sống) (!!!)
Mặc dù các bác sĩ điều trị đã cố gắng liên hệ, kể cả liên hệ chính thống và những mối quan hệ riêng, bằng mọi cách mong cứu được mạng sống cho bệnh nhân … Nhưng thực tế các tuyến cao hơn cũng đều đang chật kín không còn chỗ trống (!!!) Bệnh nhân đã không chờ đợi được và không qua khỏi chỉ sau 72h nhập viện (…)
Mọi thứ diễn ra quá chóng vánh …
Liên lạc với gia đình bệnh nhân (đang ở khu cách ly) thông báo bệnh nhân đã không qua khỏi … vợ bệnh nhân phải rất lâu sau khi nghe bác sĩ thông báo mới có thể bình tĩnh lại cùng bác sĩ bàn giải pháp lo hậu sự cho bệnh nhân. Khi đã trấn tĩnh lại, vợ bệnh nhân qua điện thoại … cầu xin bác sĩ tìm cách cứu con gái bệnh nhân, vì cháu nó ở khu cách ly cũng đang diễn biến nặng lên, sốt cao, khó thở đã 2 hôm nay rồi mà không được thở oxi, không có nhân viên y tế thăm khám, càng không có bệnh viện nào còn giường để chuyển đi …
Mình đang hướng dẫn chị vợ bệnh nhân lo thủ tục cho anh chồng, nghe như vậy cũng không khỏi chạnh lòng, vội rà soát một loạt số bệnh nhân trong khoa hiện tại cũng đã kín tất cả các giường, bệnh nhân nằm tràn ra cáng, chưa kể bệnh nhân đều đang suy hô hấp thở máy rất nặng nề …
Mình bèn giải thích với vợ bệnh nhân :
-Chị báo nhân viên y tế tại khu cách ly cố gắng liên hệ bệnh viện phụ trách điều trị tầng thứ 2 thứ 3 (cơ sở y tế điều trị bệnh nhân vừa và nặng) xem có chuyển cháu đi được không, bác sĩ rất muốn giúp nhưng hiện tại trong khoa đã kín tất cả các giường rồi …
Vợ bệnh nhân vừa khóc vừa nói vọng trong điện thoại :
-Các bác sĩ ở đây đã liên hệ khắp nơi mấy ngày rồi, nhưng không có nơi nào còn giường cho cháu, bình ô xi ở đây cũng đã hết rồi cháu không có oxi để thở, bố cháu mới mất, bác sĩ đưa bố cháu đi thế là còn 1 giường, nhờ bác sĩ cho cháu được “nằm thế chỗ” vào đấy …
Tôi đã mất chồng rồi, chỉ còn mỗi đứa con gái thôi, mất nó nữa thì tôi không sống nổi mất …
Và rồi những hoàn cảnh như vậy đối với bác sĩ Hồi Sức trong vùng dịch như mình không biết từ lúc nào – đã trở nên không còn “hiếm gặp” nữa (!!!???)
Không thể làm gì
Không ai có thể làm gì
Sự thực đang diễn ra là như vậy đấy
Chỉ có những số liệu đẹp trên các trang báo (…)
———***———
(*) Là bác sĩ trực tiếp nhận bệnh nhân, cũng như bám sát diễn biến và điều trị cho bệnh nhân trong 72h, cũng là người nhận đoạn ECG (đường đẳng điện) cuối cùng của bệnh nhân : Có đầy đủ hồ sơ bệnh án (đã che thông tin cá nhân) cũng như ghi âm khi gọi điện thông báo cho gia đình, sẵn sàng đối chất với những thành phần [Chống Dịch Bằng Mồm] gây dư luận chủ quan về sự nguy hiểm của dịch bệnh …
(*) Bác sĩ không thể tự nhiên “đẻ” ra cái phim phổi nát bét kia được
(*) Tất cả chúng ta đều cần nhìn nhận lại ..
Chúc anh nhiều sức khỏe , sẽ luôn theo dõi những bài viết của anh !
Những số liệu trong các bài báo cáo lúc nào cũng đẹp! Chỉ có những người trực tiếp làm mới thấy được những điều bất cập. Thật thấy thương cho những Y, BS trực tiếp tham gia PC dịch. Các bài viết của Bs Việt Hùng rất hay, rất sinh động, diễn tả hết nỗi vất vả, thiếu khốn của đội ngũ cbyt trong tuyến đầu chống dịch. Cố lên nhé em. Luôn follow em❤️
Mình không còn seach được facebook của bạn nữa. Phải chăng..