Việc Dễ Việc Khó …
Giờ nghỉ trưa, mới chợp mắt chưa được bao lâu, cơn buồn ngủ mới chỉ kịp chớm trườn đến thì đã nghe tiếng ồn ào huyên náo ngoài cửa khoa cấp cứu, mình còn luyến tiếc cơn buồn ngủ hiếm có, nên cố nhắm mắt thêm một chút, định bụng bảo thôi có cậu em bác sĩ cũng có nhiều kinh nghiệm “canh chùa” 2 tháng nay rồi nên chắc cũng chẳng sao, mình cần giấc ngủ ngắn này hơn bao giờ hết, vì còn đêm rất dài nữa …
Tiếng ồn ào ngày một lớn hơn, mình vẫn cố nhắm nghiền đôi mắt, cơn buồn ngủ dập dìu cứ khẽ kéo đến rồi lại nhanh chóng rút đi như muốn trêu ngươi, ngay cả khi mình đã cố nằm im, tĩnh tâm, tấm chăn mỏng đã trùm kín qua đầu kín mít, nhưng vô hình chung lại không ngăn được gió từ chiếc điều hoà cũ trong phòng nghỉ nhân viên lạch cạch thổi từng lớp hơi lạnh xuyên qua lạnh buốt (!!!) Hơi lạnh lướt từng đợt trên bề mặt tấm chăn giống như những đợt sóng khiến mình khẽ rùng mình (…)
-“M*” không biết thằng nào hạ nhiệt độ máy lạnh xuống 16 độ lạnh thế không biết (!!!)
Giây phút mình lầm bầm buông ra một câu chửi thề ngắn ngủn vào trong không khí theo hơi thở hắt ra nặng nhọc cũng là lúc mình biết sẽ không thể tiếp tục giấc ngủ trưa quý giá này được nữa, bên cạnh anh em trong phòng vẫn ngủ ngon lành, mình uể oải bật dậy quờ tay lấy cặp kính cận đeo lên mắt, với lấy cái áo blouse cũ mèm đang treo xộc xệch trên cánh cửa tủ, thò chân vào gầm giường tìm lấy đôi “sục” đã hở mõm, lảo đảo bước ra ngoài theo hướng tiếng ồn huyên náo ngoài khoa cấp cứu – mặc dù vẫn cảm nhận được cơn buồn ngủ còn lẩn khuất tại nơi nào đó ở sâu trong đầu …
Cánh cửa phòng cấp cứu vừa được mở ra, đập vào mắt là một khung cảnh ồn ã huyên náo vẫn thường thấy, tất cả các giường tại khoa cấp cứu đều đã kín bệnh nhân, điều dưỡng chạy qua chạy lại liên tục, bệnh nhân và thân nhân người bệnh với những gương mặt nhăn nhúm hiện diện ở khắp mọi nơi …
Tiếng rên la, tiếng nhéo gọi, tiếng chuông điện thoại, tiếng bánh xe, tiếng dụng cụ y tế va đập trên khay loảng xoảng khô khốc, tiếng cửa ra vào đóng mở, tiếng loa phát thanh … tất cả tổ hợp thành một thứ âm thanh hỗn tạp mà tai mình dù cố gắng lắng nghe cũng chỉ có thể nghe được thành những tiếng “rẹt rẹt” không rõ nghĩa (…)
Mình cố định hình, vận dụng tối đa các giác quan “quét” một lượt để tìm xem tiếng ồn ào mà mình đã nghe thấy từ trong phòng nghỉ trưa ban nãy từ đâu phát ra, bằng sự nhạy cảm của bác sĩ phụ trách khoa cấp cứu nhiều năm, mình linh cảm tiếng ồn đó tiềm ẩn một điều gì đó mơ hồ cần mình phải xử lý gấp – hoặc có thể chỉ là “ảo thanh” do mình nghe nhầm trong lúc cơn buồn kéo đến, cơ thể đã quá mệt mỏi, cần nghỉ ngơi và các đường dẫn truyền thần kinh đã tổ hợp lại một cách tình cờ những dữ kiện trong quá khứ còn lưu trữ bên trong bộ não …
Nhưng rồi linh cảm của mình không phải là không có căn cứ, mình nhận ra ở trên chiếc cáng ngoài cùng phía sát cửa ra vào đang tụ tập rất đông người, trên cáng là một thanh niên người ngợm xám xịt gầy đét đang nằm co quắp, xung quanh có đến 3-4 đồng chí mặc cảnh phục, vài nhân viên bảo vệ cũng mặc đồng phục và nổi bật là một ông “Tây Ba Lô” cao lêu nghêu – dễ cao phải đến 2 mét – đứng nổi bật giữa đám đông đang khoa tay múa chân “xì xồ” nói ngôn ngữ mà mình không hiểu …
Ngay khi quan sát được ngững dữ kiện như vậy : Mình cần ưu tiên xử trí trường hợp này trước (…)
———***———
Đầu tiên mình nhanh chóng “rẽ đám đông” và bước đến xem xét tình trạng của người nằm trên cáng – mình vừa đi vừa ra khẩu lệnh, lại mặc áo choàng trắng nên việc này cũng không hề khó khăn gì :
Trước mặt mình là một thanh niên còn khá trẻ, khoảng tầm 25-26 tuổi, tuy nhiên thể trạng gầy mòn, nước da xấu, hơi thở nặng nhọc, mình thấy rõ nhịp thở nhanh và kiểu thở toan chuyển hoá điển hình, khả năng thanh niên có bệnh nội khoa mãn tính kèm theo đã lâu và không được điều trị đầy đủ, tuy vậy thanh niên có đôi mắt rất sáng, liên tục quan sát xung quanh, cái nhìn tuy có chút thách thức nhưng rất nhanh nhẹn và thoảng có chút buồn ẩn dấu …
Chưa đợi mình cất tiếng, những “người liên quan” xung quanh thấy bác sĩ đến thì thi nhau “trình bày” :
3 đồng chí cảnh sát mặc sắc phục tự giới thiệu hết sức bài bản : Rằng mình là cảnh sát khu vực, đang trong quá trình tuần tra thì nhận được tin báo có đối tượng cướp giật đã bị khống chế nên tổ chức bắt giữ, trong quá trình áp giải về trụ sở thì đối tượng có những dấu hiệu không tốt về sức khoẻ nên đưa đến bệnh viện gần nhất cấp cứu …
Mình bèn tặc lưỡi :
-À, cuối năm kinh tế suy thoái, dịch bệnh thiên tai hoành hành, trộm cướp tệ nạn xã hội ra tăng, cũng không lạ gì (…)
Trong khi mình vừa khám bệnh nhân vừa nghe trình bày sự việc từ các đồng chí cảnh sát khu vực, thì thanh niên “Tây Ba Lô” cao kều tỏ vẻ rất bức xúc, liên tục khoa chân múa tay chỉ trỏ ồn ã một góc, đáng tiếc vốn ngoại ngữ ít ỏi hồi đại học của mình không hiểu được “Tây” đang muốn nói gì, chỉ biết rằng Tây đang có phần mất bình tĩnh, nên mình yêu cầu các đồng chí cảnh sát kết hợp cùng lực lượng bảo vệ của bệnh viện “mời” Tây ra ngoài hành lang đồng thời yêu cầu phiên dịch (…)
Lúc này mình đã có thời gian để khám kỹ hơn bệnh nhân đang nằm thở phì phò trên cáng cấp cứu :
Mình chưa kịp hỏi về tiền sử bệnh lý thì thanh niên cất tiếng thều thào bảo :
-Bác sĩ ơi cứu em …
Mình ngạc nhiên :
-Anh sẽ cứu, nhưng em phải cho bác sĩ biết em đang gặp phải vấn đề gì ???!!!
-Em bị suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo, đã mấy ngày nay em không được chạy thận rồi …
Mình lại càng ngạc nhiên hơn : Vì trước khi tiếp cận một case lâm sàng mình thường suy nghĩ và hình dung trước trong đầu cụ thể những bước tiếp theo sẽ phải làm, phải khai thác thêm hay xử lý – đôi khi mình dự đoán trước đến 3-4 bước tiếp theo trước khi bắt tay vào cấp cứu – nhờ vậy mình luôn chủ động, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu tối đa rủi ro (…)
Với bệnh nhân này, rõ ràng là đối tượng cướp giật manh động ngay tại quận trung tâm lớn nhất thành phố : mình đã hình dung sẽ khai thác tiền sử chơi “đồ” (ma tuý, cần kẹo ke thuốc lắc, tiêm chích …) hay bệnh truyền nhiễm – hoàn toàn không nghĩ đến đây là bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối lại còn đang chạy thận nhân tạo định kỳ (…)
Sau một phút bất ngờ, mình bèn trấn tĩnh lại và hỏi thật kỹ về bệnh sử cũng như tình trạng chạy thận nhân tạo của bệnh nhân :
Hoá ra bệnh nhân phát hiện suy thận từ 3 năm nay, đã được chạy thận nhân tạo định kỳ thứ 3-5-7 tại một cơ sở y tế gần nhà, tuy nhiên hoàn cảnh gia đình bệnh nhân khó khăn, bố mẹ mất sớm, sống với bà ngoại, bản thân bệnh nhân cũng không có công ăn việc làm ổn định, sức khoẻ suy yếu khiến bệnh nhân chỉ có thể làm những công việc lặt vặt, như đưa cơm, đồ ăn nhanh buổi sáng cho mấy quán ăn gần bệnh viện, gia đình bệnh nhân không lo nổi chi phí chạy thận nhân tạo 3 ngày/tuần, quá trình chạy thận từ đầu năm đến nay đã bắt đầu phải vay mượn tiền của họ hàng người thân, chi phí để ghép thận lại là một điều không tưởng vì số tiền phải bỏ ra quá lớn …
Bệnh nhân biết, nếu không được chạy thận nhân tạo, bệnh nhân sẽ chết vì các sản phẩm chuyển hoá của chính cơ thể mình tạo ra …
Đến ngày hôm nay đã là gần 1 tuần bệnh nhân không được chạy thận, tự bản thân người bệnh đã cảm thấy không ổn, bắt đầu bằng những cơn hoa mắt chóng mặt, những cơn hồi hộp khó thở do trống ngực (loạn nhịp tim) sau đó là nôn ói liên tục (biểu hiện của hội chứng tăng ure huyết)
Bệnh nhân cảm thấy cái chết đã cận kề từng ngày từng giờ …
Nhưng bệnh nhân không muốn chết : Bằng cách nào đó bệnh nhân đã đi nhờ được nhiều chuyến xe bus từ quận ngoại ô thành phố để đến được trung tâm thành phố (!!!???) Với người bình thường, có thể chỉ là 1 chuyến grab với vài chục nghìn, nhưng với một người không có bất cứ thứ gì trong tay – kể cả sức khoẻ – như bệnh nhân, thì “lết” đi được cả quãng đường dài như vậy cũng đã là một kỳ tích (…)
Bệnh nhân đã ngồi chờ trên vỉa hè của phố đi bộ Nguyễn Huệ – dựa lưng vào chiếc bệ đá, để chờ …
Chờ đúng nửa ngày trời, đến khi nhìn thấy ông “Tây Ba Lô” cầm điện thoại di động vừa đi bộ vừa nói chuyện lơ đễnh đi qua bèn vận hết sức bình sinh giật điện thoại và chạy trốn – nhưng do sức yếu vả lại chưa ăn gì từ sáng nên chỉ chạy được vài bước chân đã bị ông “Tây” bắt lại và “áp tải” lên công an phường sở tại …
Mình nghe xong câu chuyện phải định thần lại một lúc mới có thể bình tĩnh tiếp tục hỏi lại bệnh nhân :
-Tại sao em phải liều cả tính mạng để cướp giật như thế ?! Nhỡ không chỉ bị bắt lại mà còn bị đánh thì sao (???!!!)
Bệnh nhân nghe vậy bèn khẽ đưa đôi mắt đang trực trào nước mắt nhìn bác sĩ và trả lời :
-Em biết khi bị cơ quan chức năng bắt và cấu thành tội phạm thì sẽ bị đi tù, sẽ mất đi tự do, nhưng bù lại em sẽ được chạy thận nhân tạo miễn phí …
em đã tìm hiểu kỹ rồi (…)
em chọn cướp của ông “Tây” vì em biết “Tây” văn minh sẽ không đánh em quá nặng, sẽ chỉ giao em cho “Phường” thôi …
nếu cướp của người Việt khi bị bắt kiểu gì cũng sẽ bị đánh hội đồng đến chết (!!!)
Bác sĩ hãy cho em chạy thận
em không muốn chết, em muốn được sống …
Và mình chỉ còn thấy một đôi mắt sáng
Cầu sinh …
———***———
Sài Gòn
Ngày 28.10.2020
Tấm lòng bác sĩ như Naoe của Đèn không hắt bóng vậy.
Đôi khi thi thoảng những câu trả lời sau cùng của bệnh nhân cũng khiến em ngỡ ngàng… đằng sau những thứ nghe có vẻ nông nổi và vô lý, đôi khi nó lại khiến mình hiểu rằng tại sao chuyện này lại xảy ra. Em hóng blog anh quá hehe