ĐÚT LÓT
Đút Lót
Hồi còn học đại học, từ học kỳ 2 năm học thứ 3 (Y3) sinh viên bắt đầu được đi thực hành lâm sàng tại các bệnh viện lớn trong thành phố (!!!)
Trước khi chính thức được cầm ống nghe đi khám bệnh nhân, sinh viên Y3 cũng đã có một kỳ học đầu với các trình học cận lâm sàng, bao gồm nhiều kỹ năng từ giao tiếp với người bệnh cho tới thăm khám dựa trên mô hình, các thầy chấm điểm dựa trên bảng kiểm (tích vào bảng kiểm có sẵn) rất gắt, nên điểm thường thấp lè tè …
Điểm của mình cũng thấp thậm tệ
Có lẽ “giao tiếp” chưa bao giờ là thế mạnh của mình
Mình thường dành thời gian buổi tối, đi nghe những buổi nói chuyện về “kinh nghiệm đi lâm sàng” của Y trên tổ chức tại giảng đường tự học, truyền đạt lại kinh nghiệm cho “Y dưới”
Thời gian đầu đi nghe cũng hay, cuối buổi “Y trên” thường giới thiệu bán ống nghe 2 dây và đo huyết áp bảo hành 1 năm cũng như kèm theo hướng dẫn nghe tim phổi, chiều cao cân nặng sức kéo miễn phí …
Nhìn chung dù là thực hành cận lâm sàng hay nghe truyền đạt kinh nghiệm thì các thế hệ đi trước đều dặn dò sinh viên Y3 rất kĩ về chuyện bệnh viện là nơi vô cùng phức tạp, có thể nói là phức tạp bậc nhất trong xã hội, sinh viên chỉ nên làm những việc trong khả năng và tuyệt đối không được nhận “phong bì” từ người bệnh (!!!)
“Mới là sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường mà đã có thói quen nhận “phong bì” thì sau này trở thành bác sĩ sẽ còn tệ hại đến mức độ nào ???!!!”
Mình khi đó cũng nghĩ đơn giản : Tháng nào cũng “lĩnh lương” từ thầy u không thiếu một đồng, cuộc sống sinh viên chẳng gọi là dư giả, nhưng thực ra cũng chẳng đến nỗi quá thiếu thốn đến mức đường cùng (?!) sao phải lấy mấy trăm nghìn từ người bệnh nhỉ (???!!!)
Rồi đến khi đi thực hành tại bệnh viện mới thấy : Đúng là quá phức tạp (!!!)
Ở bệnh viện nhất là tuyến Tw hay những khoa đặc thù đông bệnh nhân, khung cảnh mỗi ngày đúng như thời “Loạn lạc” với đủ thứ màu sắc cũng như thanh âm hỗn tạp nhàu nhĩ (!!!) Người bệnh không phân biệt được đâu là bác sĩ, đâu là điều dưỡng, y tá, hộ lý, thậm chí là bảo vệ, IT, lao công … chứ đừng nói đến sinh viên : Cứ thấy bóng áo trắng là họ chạy đến tìm kiếm sự giúp đỡ, là sẽ có đủ thứ việc để làm, và kèm theo cũng là “mưa bom bão đạn” bị “dội nhầm” cũng đều do cái “áo trắng” cả (!!!)
“Vía nặng” như mình đi trực có một thời gian mà đã phải “cởi áo” chạy vô số lần do bị “tấn công nhầm” (!!!)
Thành ra mình sợ lâm sàng từ đấy
Tính đến năm cuối ra trường, là 3 năm rưỡi đi thực tập lần lượt qua hầu như tất cả các bệnh viện lớn trong thành phố, không đếm được bao nhiêu lần mình được người nhà bệnh nhân “dúi” phong bì hay tiền mặt vào túi áo trắng (!!!)
Người thì “dúi” một cách ý nhị, người thì “đưa” công khai, nhưng gặp nhiều nhất là họ chủ động “áp sát” rồi luồn tay “nhét” vào túi áo blouse bên hông nhanh như một cơn gió khiến người “bị nhét” không kịp trở tay (!!!) Đã có nhiều lần mình đang đeo găng tay tiểu phẫu (khâu vá) hay đang đẩy cáng đưa bệnh nhân đi làm xét nghiệm chụp chiếu, thậm chí là đang bóp bóng qua nội khí quản (…vv) cũng phải tạm dừng công việc đang làm để ngăn chặn – sau đó “dúi” lại tiền cho người nhà …
Tất nhiên mặc cho người nhà “nói khéo” đến thế nào mình cũng quyết đưa lại, thành ra cả hai bên cứ “đưa đưa đẩy đẩy” giữa trận tiền như trò hề …
Mỗi lần như thế quả thật mình đều sợ đến thót cả tim – vì mình còn đang là sinh viên, vài trăm nghìn trong lúc đi thực tập có thể khiến giấc mơ bác sĩ mãi mãi dừng lại do bị nhà trường đuổi học (!!!)
Càng về những năm sau, càng sắp ra trường – nên càng sợ …
Nên mình dám chắc chẳng sinh viên y nào trong quá trình đi thực tập lại tham mấy cái “phong bì” cho dù đói khổ đến như thế nào đi chăng nữa – Vì chí hướng của họ vẫn là một điều gì đó lớn lao hơn, vượt qua cả vật chất tầm thường …
Hơn nữa, ai mà biết được sự thật đằng sau chiếc phong bì là những cạm bẫy gì …
Mình thành ra ác cảm với chiếc “phong bì” từ đó
——***——
Năm cuối tốt nghiệp ra trường, mình bằng mọi giá “né” lâm sàng, đi học lên xuống cả đống chứng chỉ định hướng cận lâm sàng, mỗi khoá 6-9 tháng suốt cả năm trời rồi mới tìm kiếm cơ hội việc làm mới, đôi lúc mình muốn chuyển hẳn sang hướng khác, thậm chí là một ngành nghề khác mà không muốn dính dáng gì đến “người bệnh” nữa (!!!)
Nhưng số phận run rủi thế nào cuối cùng vẫn quay về làm công việc khám chữa bệnh
Đó lại là cả một câu chuyện dài khác …
“Nhảy việc” khắp nơi mãi không ổn định, mãi mới xin được vào làm ở một bệnh viện tuyến 1, lại làm khoa Hồi Sức Cấp Cứu – khoa lâm sàng vất vả nhất – đúng là “chạy trời không khỏi nắng”
Tuần đầu tiên trở lại làm bác sĩ mình được xắp xếp làm bác sĩ cột 2 (bác sĩ phụ việc) làm việc dưới sự hướng dẫn và giám sát của bác sĩ chính (bác sĩ cột 1), hôm đấy tại khoa hồi sức có một bệnh nhân viêm cơ tim rất nặng, diễn biến suy đa cơ quan, quá trình điều trị rơi vào khó khăn cần hội chẩn giáo sư đầu ngành tại bệnh viện tuyến trên (!!!) Xe cấp cứu của bệnh viện đã đi đón Giáo Sư từ sớm, sếp giao cho mình nhiệm vụ làm thư ký ghi hồ sơ bệnh án cũng như biên bản hội chẩn với giáo sư, dặn dò mình phải ghi chép cho thật kỹ, vì ngoài công việc chính là tìm phương án điều trị hiệu quả cho bệnh nhân thì đây cũng là cơ hội để học hỏi thêm những kiến thức mới từ người có chuyên môn đầu ngành …vv
Trong lúc đang chuẩn bị giấy tờ sổ sách ghi chép thì sếp đưa cho mình một cái phong bì được dán kín, dặn mình sau khi hội chẩn xong thì đưa cho Giáo Sư (!!!???)
Mình nhìn thấy cái phong bì thì thót cả tim, mình nghĩ bảo thôi chết rồi vật “nhạy cảm” thế này sao lại xuất hiện ở khoa hồi sức, ngay trong tua trực của mình, mình muốn từ chối vì không muốn “dây dưa” nhưng thời điểm đó mình là bác sĩ mới, lại đang trong quá trình thử việc, chưa được tuyển dụng chính thức, hàng ngày đến viện đều “đi nhẹ – nói khẽ – cười ngu” ai bảo gì làm nấy (!!!) Nay việc “đút phong bì” lại là do “sếp” trực tiếp giao phó (đưa cho) – khiến mình không dám nói, cũng không thể từ chối (!!!)
Mình nhận chiếc phong bì từ sếp rồi lặng lẽ cho vào túi áo blouse trắng – nơi mà đáng lẽ chiếc phong bì không được phép tồn tại (…)
Rồi kể từ thời điểm đó trong lòng mình phát sinh mâu thuẫn, suốt cả buổi sáng đến đầu giờ chiều mình vẫn cứ suy nghĩ mông lung, miên man mãi về chiếc phong bì đang nằm trong túi (!!!)
Chiếc phong bì đó là từ đâu (?), có bao nhiêu tiền (?) từ đâu mà có (?) có ghi lại số se-ri không (?) tại sao lại phải đưa cho giáo sư (?) tại sao phải đợi sau khi hội chẩn mới đưa (?) mình có nên đưa không (?) có ai nhìn thấy thì sao (?) nếu không đưa thì có làm sao không (???!!!)
Những suy nghĩ băn khoăn dằng xé lấy nội tâm, tai mình dần ù đi – thành ra mình chẳng để ý đến chuyện ghi chép hay giáo sư hội chẩn case bệnh khó thế nào nữa, chỉ thấy bác sĩ cột 1 vừa nghe giáo sư phân tích vừa ghi chép liên tục …
Đến khi hội chẩn xong, trong lúc giáo sư đi từ phòng giao ban ra cửa đợi xe cấp cứu đến đón, mình chợt nhớ tới “nhiệm vụ cao cả” cùng với chiếc phong bì trong túi (!!!) Mình thừa lúc không ai để ý bèn rảo bước đi song song bên cạnh vài bước rồi nhón chân “áp sát” vào người Giáo sư (!!!) Sau khi “áp sát” mình cẩn thận đảo mắt liên tục xung quanh đảm bảo không có “ánh nhìn” nào đáng chú ý, mình nhanh chóng dùng tay thuận “nhét” cái phong bì được cuộn thành cuộn tròn từ trước trong lòng bàn tay vào túi áo bên phải áo blouse của giáo sư …
Mình yên chí vì đã hoàn thành xuất sắc “nhiệm vụ” được giao (!!!)
Sau đó mình rảo bước quay trở lại phòng giao ban làm nốt cái biên bản hội chẩn còn ghi dở (do bị cái phong bì làm phân tâm)
Bất ngờ giáo sư gọi mình lại hỏi :
-Em là bác sĩ mới có phải không ?!
Mình gãi đầu gãi tai bối rối trả lời :
-Dạ vâng em là bác sĩ mới vào làm việc ạ !!!
Giá sư đưa lại cho mình cái phong bì và bảo :
-Đây là chi phí hội chẩn case bệnh khó có trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế, em viết lên đây họ tên bệnh nhân, chẩn đoán và photo bản sao biên bản hội chẩn đưa lại cho tôi …
Thấy mình vẫn còn đang ngơ ngác, giáo sư ôn tồn nói tiếp :
-Việc này là công khai minh bạch, đúng theo quy định, chứ không phải như em nghĩ …
Mình lúc này mới lờ mờ hiểu ra sự việc, bèn dạ vâng rối rít rồi nhanh chóng làm theo (!!!)
Lúc quay lại khoa tất cả mọi người chứng kiến đều cười như nắc nẻ bảo :
-Tiền hội chẩn case bệnh khó bảo hiểm y tế chi trả có trong danh mục hẳn hòi mà cũng lấy ra “đút lót” giáo sư à (!!!???)
Đến mãi sau này mỗi khi có case bệnh nặng cần hội chẩn tuyến trên, mọi người trong khoa nhắc lại chuyện cũ đều không nhịn được cười …
Đúng là : “Không có hành động xấu, chỉ có suy nghĩ không đúng đắn mà thôi …”
^^