Xin Lỗi “Đầu Xanh”
Tự Truyện
Một lần sau đêm trực rảnh rỗi ngồi caffe cùng cô em gái vốn cũng là đồng nghiệp trong ngành Hồi Sức, nhưng làm ở bệnh viện tuyến khác, mình than thở rằng không hiểu vì sao cứ đến phiên mình trực là bệnh nhân lại cấp cứu rất đông và có rất nhiều ca bệnh rất nặng, trong khi những tua trực khác thì chẳng có mấy ???!!!!
Cô bé đồng nghiệp cười bảo :
“Mặc dù theo dõi anh chưa lâu nhưng em thấy đúng là như vậy, em ngày xưa cũng thuộc dạng học hành chăm chỉ nhưng nhiều bệnh lạ hoắc các thầy còn nói là hiếm gặp lắm, đời người bác sĩ có khi chỉ gặp có vài lần đã là may mắn lắm rồi, thế mà em thấy anh cứ gặp hoài …
Ngập ngừng chút rồi cô bé nói tiếp :
“Đúng là anh “đen” thật, liệu có phải rất lâu về trước anh đã làm điều gì đó gây tội lỗi lớn nên bây giờ ông trời mới bắt tội anh như thế này không ???!!!”
Mình nghe vậy cũng ngán ngẩm bảo :
-Ừ, có khi trước đây anh gây thù chốc oán với ai đó thật …
Nói rồi cả hai cùng phá lên cười vui vẻ (!!!)
Mải trò chuyện khiến mình quên mất cả đêm qua không được chợp mắt tí nào, lúc sau, cơn buồn ngủ bắt đầu kéo đến, nỗi mệt nhọc tích lũy suốt 24h qua khiến đầu óc có chút quay cuồng, mặc dù đã uống một li cafe lớn buổi sáng nhưng thi thoảng mình vẫn thấy hai mắt chỉ trực chờ kéo sập xuống, mỗi lúc như vậy mình lại cố gắng lắc lắc đầu vài cái để cố níu kéo chút tỉnh táo (…) Mặc dù cơ thể đòi nghỉ ngơi nhưng kinh nghiệm đi trực đêm nhiều năm – kể từ thời sinh viên đến giờ cũng đã ngoát nghét hơn 10 năm có lẻ – mình biết rằng chỉ cần đặt lưng xuống thôi là sẽ nằm ngủ mê mệt đến tận chiều tối, cảm giác buổi sáng sớm mới bàn giao tua trực về nhà định bụng ngả lưng một tí mà khi tỉnh dậy trời đã chập tối, lặng lẽ nhìn ra ngoài khung cửa thấy phố xá đã lác đác lên đèn, không chỉ là lãng phí nguyên một ngày không làm được bất cứ việc gì, mà đáng sợ hơn là cảm giác trống rỗng tận sâu trong tâm hồn khó có thể diễn đạt bằng lời (…)
Vì thế thay vì trở về phòng nghỉ ngơi sau một đêm thức trắng, mình thường dành cả buổi sáng để la cà quán xá, hay đơn giản chỉ là ngồi caffe một góc, đôi khi tới tận chiều muộn mới trở về …
Cơn buồn ngủ kéo đến ngày một nhiều, khiến mình khó có thể giữ cho đầu óc tỉnh táo, mình đành phải hoãn cuộc nói chuyện lại rồi lấy cớ chuồn về, cô em gái cũng còn mấy việc riêng cần giải quyết trong buổi sáng, nên cả hai cùng rời khỏi quán caffe cùng lúc
Nhìn đồng hồ vẫn còn khá sớm, không khí trong lành, gió thổi nhè nhẹ khiến mình cảm thấy đầu óc tỉnh táo hơn một chút, vừa đủ để lái xe máy về nhà …
Dọc đường đi mình cứ suy nghĩ mãi về cuộc nói chuyện vừa xong, về câu nói vu vơ của cô em, chắc rằng cô em gái cũng chỉ buột miệng nói ra, nhưng lại khiến lòng mình băn khoăn mãi
Mình tự hỏi : “Trong quá khứ có phải mình đã làm điều gì đó tội lỗi lắm không ???!!!!”
(***)
Hồi nhỏ nhà mình ở vùng ngoại ô, phía xa trung tâm thị xã, ngôi nhà mái ngói cũ kĩ nhưng có khu vườn rất rộng !!! Tiểu học mình đi học trường làng, cách nhà có một con ngõ, lớp 1 học “Bán Trú” tức là trẻ con đi học buổi sáng, buổi trưa ăn cơm tại trường, ăn xong kê bàn ghế ngủ trưa tại lớp học, đến giờ tan tầm thì về … Học sinh ở trường nửa ngày : giống hệt như mẫu giáo (!!!)
Đơn giản như vậy nhưng không phải trường tiểu học nào cũng có bán trú, và nếu có, thì không phải lớp nào cũng được “bán trú”, phải là “lớp chọn”, gia đình cán bộ công nhân viên chức hoặc có quen biết, thì mới được đăng ký cho con vào “lớp chọn”, cũng một phần do cán bộ công chức đi làm cả ngày, buổi trưa chiều không có ai trông con, nên rất thích cho con vào học bán trú – những lớp học còn lại, chủ yếu là gia đình nông thôn chỉ học buổi sáng, đến trưa tan học, học sinh tự về với gia đình …
Mẹ là giáo viên Toán, mặc dù mẹ dậy trường cấp 3, nhưng cũng coi là người “trong ngành” rồi : tất nhiên mình vào “lớp chọn”, học “Bán Trú”, ăn trưa ở trường !!!
Năm đầu tiểu học trôi qua khá bình yên, tất nhiên mình đứng nhất lớp, lại còn được làm “Lớp Trưởng”, thực ra lớp 1 thì lớp trưởng không cần phải biết làm gì mấy, chỉ cần có cái đầu cao cao, đứng đầu hàng thì các bạn ở đằng sau đều nhìn thấy để đi theo khỏi bị lạc lúc chào cờ hay xếp hàng vào lớp là đủ …
Lên lớp 2 nhà trường không còn lớp bán trú nữa, lịch học lại là buổi chiều, nên buổi sáng học sinh được nghỉ ở nhà !!!
Khỏi phải nói mẹ lo lắng lắm, vì bố đi làm ở xa, năm đấy mẹ lại chủ nhiệm lớp 12 nên lịch dậy toàn tiết 5, để con trai ở nhà một mình không yên tâm nên đầu năm học sáng nào mẹ còn tha mình đến trường cấp 3 mẹ dậy, cho ngồi yên trong phòng họp hội đồng làm bài tập cả buổi !!! Đến trưa tan học lại đèo về nhà cơm nước rồi chiều mình lại cắp sách đến trường tiểu học để học lớp 2
Hai mẹ con cứ rồng rắn nhau từ sáng tới trưa như vậy đến hết học kỳ 1, nhưng dần dần việc mang trẻ con đến trường cũng không được ổn cho lắm, dù sao trường học cũng là cơ quan nhà nước, dù mẹ là giáo viên khá có uy tín trong trường, lại đang rèn đội học sinh gỏi, nhưng cũng không tránh khỏi lời ra tiếng vào (…) Mặc dù các cô giáo là đồng nghiệp của mẹ quý mình rất !!! Chỉ cần trống tiết là lại tụ tập ở phòng hội đồng để nghe mình đọc bài hay hướng dẫn mình làm toán đố, còn các chị học sinh của mẹ thì khỏi nói, chỉ trực chờ thấy mình là xông đến hôn hít bẹo má …
Đến kỳ 2 của năm học thì mẹ bắt đầu để cho mình ở nhà một mình cả buổi sáng, đợi đến trưa mẹ về nấu cơm cho ăn rồi chiều đi học : Thế là từ đó mỗi một ngày mình có nguyên một buổi sáng tự do, muốn làm gì thì làm
Khỏi phải nói, mình nghịch tung trời …
(***)
Để chuẩn bị cho con trai quý tử của mẹ ở nhà một mình buổi sáng – dù chỉ là một buổi sáng thôi (vì trưa hết giờ dậy mẹ vẫn về nấu cơm rồi đầu giờ chiều mẹ đi dậy, mình đi học) Tưởng quá đơn giản với một học sinh lớp 2 – dù gì cũng đã 7 tuổi rưỡi rồi chứ ít gì đâu – nhưng có vẻ với mình mọi chuyện không đơn giản đến thế (!!!) nên mẹ đã lên kế hoạch “chuẩn bị” cho mình từ trước đó rất lâu rồi …
Đầu tiên là việc “huấn luyện” cho mình những kỹ năng cơ bản để đối phó với những tình huống có thể xảy ra khi ở nhà một mình :
-Buổi sáng đi làm mẹ thường khoá trái cửa, nhốt mình ở trong nhà, nhìn từ ngoài vào như thể chủ nhà đi vắng, trong nhà không có ai, nhưng thực ra mẹ để lại cho mình một bộ chìa khoá, dặn cất kỹ ở trong chồng sách trên giá sau cánh cửa, cánh cửa gỗ cũng có một ô vuông nhỏ bên cánh để có thể luồn tay từ ngoài vào trong hoặc ngược lại để người từ bên trong có thể mở khoá bên ngoài, làm như vậy để đề phòng khi có sự cố bất ngờ trong nhà xảy ra (ví dụ như cháy nổ) thì mình có thể tự mở cửa ra vào để “thoát thân” chạy ra ngoài được …
Tất nhiên, việc giữ chìa khóa trong nhà là “tuyệt mật” và ngoại trừ trường hợp khẩn cấp, không được đưa chìa khóa nhà cho bất cứ ai, dù họ có nói gì
Đúng dạo đấy lại có một anh hàng xóm nhà ở bên kia đường, hơn mình đúng 1 tuổi (dang học lớp 3) bị bắt cóc (!!!) Do thị xã ở giáp tỉnh biên giới Lạng Sơn – có nhiều cửa khẩu qua Trung Quốc, nên thỉnh thoảng cũng nghe báo đài thông tin về những vụ án buôn người hay bắt cóc trẻ con, nhưng việc chỉ “nghe” nói vậy với việc có vụ bắt cóc thật xảy ra ngay gần nhà mình thì những người xung quanh mới thấy kinh hãi, đợt đấy công an thị xã về khu phố nhà mình điều tra suốt ngày suốt đêm, mình nhớ rõ vì còn có một chú công an mặc sắc phục vào nhà hỏi xem ngày này ngày này có nhìn thấy anh hàng xóm đâu không, tất nhiên chẳng ai nhìn thấy vì anh hàng xóm nhà mình hồi đấy nổi tiếng quậy phá, bố mẹ chạy xe khách Hà Nội toàn đi từ sáng sớm đến tối mịt mới về, nên không ai biết anh hàng xóm bị bắt đi lúc nào, suốt mấy ngày trời tiếng mẹ anh hàng xóm than khóc vọng ra ngoài ở trong nhà mình cũng nghe thấy !!! Cả khu phố không khí ảm đạm, trẻ con không đứa nào dám ra đường chơi …
Mấy ngày sau thì anh hàng xóm được công an thị xã đưa về nhà, cả khu phố đổ sang nhà bác lái xe chúc mừng !!! Tối hôm đấy cả khu phố được nghe kể chuyện “bắt cóc” li kỳ : Hóa ra sáng hôm đấy anh hàng xóm không đến trường mà bỏ học đi chơi lang thang khắp nơi, trong lúc đang nhặt lá đá ống bơ ở phía sau trường tiểu học thì gặp 2 đối tượng một nam một nữ (tất nhiên anh hàng xóm không nhớ rõ mặt) đến đưa cho một cục kẹo, trẻ con ngày xưa thì ăn còn chẳng có đủ nên kẹo là cái gì rất hiếm có !!! Khỏi phải nói anh hàng xóm nhận ngay và tấp vào mồm ngậm – được vài phút thì anh hàng xóm thấy trời đất quay cuồng rồi ngủ thiếp đi không biết gì nữa, đó là viên kẹo có chứa thuốc ngủ (…) Hai đối tượng không đưa anh hàng xóm thẳng qua cửa khẩu phía Bắc hướng biên giới Lạng Sơn – Trung Quốc mà bắt tàu hỏa đi ngược về phía nam, lúc đi qua cầu Long Biên thì thuốc ngủ tan dần, anh hàng xóm tỉnh dậy thấy đang ngồi trên tầu, mặc dù sợ sun vòi nhưng nhờ kinh nghiệm trốn học rèn luyện suốt 3 năm nên anh hàng xóm tiếp tục giả vờ ngủ (học sinh trường làng ở quê ngày xưa bố mẹ lam lũ không có thời gian quan tâm thì thường trốn học từ lớp 1 – nhiều khi thầy cô phải đến nhà tìm rồi “vận động” quay trở lại lớp học)
Đến lúc tàu dừng bánh ở ga Long Biên, thấy ngoài cửa sổ có mấy chú công nhân đường sắt mặc đồng phục đang sửa chữa đường ray, anh hàng xóm ngay lập tức vùng dậy chui qua cửa sổ kêu cứu (cửa sổ tàu hỏa ngày xưa chưa có song sắt chống ném đá như bây giờ) Thấy “có biến” cặp nam nữ bắt cóc lủi mất, anh hàng xóm được một chú công nhân đường sắt tốt bụng đem đến trình báo công an phường rồi cũng chính chú cùng lực lượng chức năng đưa ông anh hàng xóm về tận nhà bàn giao lại cho gia đình …
Gia đình anh hàng xóm vô cùng cảm kích và nhận chú công nhân đường sắt làm bố nuôi, mãi đến tận sau này vào mỗi dịp lễ tết thỉnh thoảng mình vẫn thấy “bố nuôi” của anh hàng xóm năm nào có mặt ở khu phố nhà mình chúc tết …
Vụ bắt cóc trẻ con diễn ra đã vài tháng nhưng khiến cả khu phố nhà mình khi đó trầm lắng hẳn !!! Trẻ con luôn được dặn dò không tiếp xúc với người lạ và bằng cách này hay cách khác phải luôn được nằm trong tầm mắt của người lớn …
(***)
Khỏi phải nói mẹ sợ lắm, tăng cường “huấn luyện” cho mình với đủ các tình huống, 24/24, gần như bất cứ lúc nào rảnh rỗi mẹ cũng tiến hành “thông não” mình : nào là không được tiếp xúc với người lạ, không được nhận kẹo bánh đồ ăn thức uống gì lạ bên ngoài, không được la cà quán xá sau khi tan học, hết giờ là phải về nhà ngay, ở nhà một mình tuyệt đối không được tự ý nghịch lửa, không được tự ý lại gần giếng nước, không được nghịch đường dây điện, không được tự ý leo trèo cây cối …vv
Mình được “tập huấn” nhiều nên làm theo răm rắp – nhưng chỉ được thời gian đầu thôi …
———***———
Học kỳ 2 đã tới : Và mặc dù chưa thật sự yên tâm, nhưng mẹ vẫn đành phải để mình ở nhà một mình buổi sáng !!!
Thời gian đầu khá ổn, mình tỏ ra là đứa trẻ rất nghe lời : Học buổi chiều rất thích, vì buổi sáng được ngủ nướng, thường thì khi mình tỉnh dậy thì mẹ đã đi làm rồi, mẹ sẽ để sẵn đồ ăn sáng trên bàn, hôm thì gói xôi ruốc bé xíu, hôm thì hai cái bánh rán, mình ngủ dậy tự động vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi lấy sách vở ra học bài, làm bài tập, sau khi làm xong bài tập buổi chiều thì ngồi bên cửa sổ đọc sách đọc truyện, vẽ vời hoặc xem tivi – hết sức ngoan ngoãn và chuẩn mực !!!
Đầu học kỳ mẹ còn trống nhiều tiết giữa giờ, nên nhiều hôm nóng ruột, mẹ lại đạp xe chạy về nhòm qua khe cửa xem con trai mẹ ở nhà một mình thế nào, thấy đang ngồi học bài hay đọc sách báo là mẹ yên tâm lắm, lại đạp xe quay lại trường …
Một lần ông chú ruột đi học ở Hà Nội về, ngang qua thị xã bèn xuống xe rẽ qua nhà anh chị chơi, thăm thằng cháu đít nhôm của dòng họ vì chú đi học ở xa cũng lâu lâu mới về được lần !!!
Lúc qua nhà thì thấy cửa nhà khoá trái, nhìn qua khung cửa sổ thấy thằng cháu đang nằm đọc truyện tranh, chú bèn bảo
-Hùng ơi mở cửa cho chú …
Mình tất nhiên nhận ra chú ruột, vì em của bố, nghe mẹ kể hồi mình còn bé xíu các chú phải thay phiên nhau từ quê lên để trông chừng với lại chú ở Hà Nội nên tết thường lì xì rất “đậm”
Ruột thịt là vậy, nhưng nhớ lời mẹ dặn, mình trả lời :
-Mẹ cháu dặn không được mở cửa cho bất cứ ai vào nhà !!!
Rồi mình quay ra đọc truyện tranh tiếp …
Nài nỉ mình một thôi một hồi, thấy không hiệu quả, nên chú đành vác ba lô sang quán tạp hoá bên kia đường ngồi uống nước đợi chị dâu đi dậy về …
Cũng may sáng hôm đấy mẹ tiết 4 nên về sớm, nhờ vậy mà chú mới được vào nhà, hết tiết 5 như mọi hôm thì có mà dài cổ (…)
Đọc truyện mãi cũng chán, thời gian sau đó mình thường xem tivi, hồi đấy có cái tivi cũ màn hình màu chỉ bắt rõ nét được đúng 1 kênh !!! Tầm gần trưa hay có phim hoạt hình của Nga, mình thích lắm, nên nhiều khi bật sẵn từ trước để chờ đến chương trình hoạt hình (…)
Một lần bà nội đi dự lễ Rước tượng chùa trên thị xã với các bà trong làng ngang qua nhà, thấy cửa nhà khoá trái mà trong nhà lại nghe tiếng tivi bật rõ to, bà thắc mắc lắm !!!
Mấy hôm sau nhân dịp nghỉ lễ cả nhà về quê bà nội mới mắng ý bảo ở thị xã mà nhà chúng mày không biết tiết kiệm (!!!)
Cả nhà hết sức ngạc nhiên, gặng hỏi mãi bà mới kể chuyện nhà khoá trái cửa đi vắng hết mà vẫn bật tivi cho ma nó xem à ???!!!!
Cả nhà phá lên cưởi, mẹ bảo : Bà ơi cháu nội của bà ở trong nhà xem hoạt hình cả buổi sáng đấy bà ạ
Bà nội cũng cười bảo : Cha tiên nhân nhà nó ở trong nhà mà nó kín tiếng thế không biết …
Chuyện mình nghe lời mẹ không mở cửa cho người lạ, và cả “người quen” cũng tuyệt đối không mở, hơn thế nữa còn chỉ ngồi yên một chỗ xem tivi được đồn thổi khắp làng khắp xóm, ở quê ai cũng biết chuyện !!! Nhắc đến là mọi người lại bò lăn ra cười (…)
Nhưng từ đó mẹ hết sức yên tâm, hàng sáng không thấy mẹ chạy về giữa giờ để “ngó” con trai một cái rồi lại chạy đi như trước nữa
(…)
Từ ngày được chính thức “thả nổi” ở nhà, mình bắt đầu không còn “ngoan ngoãn” nữa
Mình bắt đầu tìm cách làm ngược lại những gì được dặn dò :
-Đầu tiên là nghịch lửa, nói thật ra chẳng đứa trẻ con nào mà không mê nghịch lửa hết !!! Chỉ là bị ngăn cấm nên không thể hiện ra thôi :
Hàng ngày ở nhà có bao nhiêu vật dụng nguy hiểm tạo lửa mẹ quản lý hết !!! Nên mình chỉ được “tiếp xúc với lửa” mỗi khi đến giờ nấu cơm, hồi đấy chẳng có bật lửa, thứ tạo lửa duy nhất chỉ có hộp diêm mà cũng phải dùng hết sức tiết kiệm !!! Có lần mình thấy anh hàng xóm nhà bán quán nước đối diện có trò dùng ngón tay cái dựng đứng que diêm trên mặt hộp diêm, sao cho đầu diêm chứa lưu huỳnh tiếp xúc với về mặt được sơn nám trên vỏ hộp, còn tay kia búng một phát, que diêm bay vút đi, trên đường đi đầu diêm ma sát với vỏ hộp xẹt ra ngọn lửa màu đỏ rực kèm theo tiếng “xì” lớn, gần như cùng lúc ngọn lửa xoè lên cũng là lúc que diêm bay vút đi, thời gian ma sát diễn ra nhanh chóng khiến ngọn lửa không thể gây cháy cho bản thân chiếc hộp diêm hay tay anh hàng xóm : quán tính khiến que diêm vừa xoay tròn vừa bay đi vun vút với ánh lửa phảng phất một đầu hệt như thanh niên dân tộc ném hai quả còn buộc dây hai đầu bay vun vút vẫn chiếu trên tivi mỗi dịp lễ hội, chỉ khác là ở đây một quả được tẩm dầu hoả đốt cháy khét lẹt, quả còn lại thì không, lưu ảnh sẽ để lại những vệt lửa loang loáng chỉ diễn ra trong khoảng khắc (…) đến lúc que diêm rơi xuống mặt đất, trên không khí vẫn lưu lại những vệt khói màu xanh bay lờ lững, mình thường nhìn ngắm những vệt khói trôi nổi cho đến khi chúng tan hẳn …
Hồi đấy mình thấy màn “biểu diễn” búng diêm của anh hàng xóm nhà đối diện là cao siêu lắm lắm, mình gọi anh hàng xóm là “sư phụ” suốt ngày mình sang gạ gẫm đòi anh chỉ dậy cho trò “bắn diêm lửa” thần thánh !!! Anh hàng xóm chắc thấy mình có tinh thần cầu tiến, lại có tố chất nên hết sức nhiệt tình chỉ dậy, mình cũng chăm chỉ chịu khó nên chiều nào đi học về cất cặp sách xong là chỉ chực chạy qua quán tạp hoá đối diện nhà để chờ “sư phụ” cũng đi học cấp 2 về để cùng luyện bắn diêm, được cái nhà sư phụ bán tạp hoá, có quầy trà nước với châm thuốc lào cho khách, nên diêm không bao giờ thiếu …
Sau một thời gian tầm sư học đạo tương đối, cuối cùng mình cũng được “sư phụ hàng xóm” cho thực hành màn “bắn diêm lửa” !!! Mình thích lắm, vớ lấy trên bàn một hộp diêm đầy nhóc rồi nhanh chóng lấy 1 que diêm mới cứng có đầu diêm đỏ chót, to nhất trong Hộp diêm, mình làm từng bước theo đúng bài bản “sư phụ” chỉ dậy : Đầu tiên dùng ngón tay cái cố định que diêm trên vỏ hộp, lực ngón tay cái phải vừa đủ, không được chặt quá cũng không được lỏng lẻo quá, mắt nhìn thẳng, hướng bàn tay về phía mục tiêu chuẩn bị “khai hoả” (…) Nghe lý thuyết thì thấy dễ, mình cũng chứng kiến “sư phụ” đốt không biết bao nhiêu que diêm rồi, nhưng nhìn là một chuyện, thực hành lại là chuyện khác, lúc bắt tay vào làm mình hết sức căng thẳng, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, chắc do căng thẳng quá, mình nghiến răng nghiến lợi búng một cái thật mạnh, que diêm chịu một lực tác động lớn, ngay lập tức đầu que diêm xoè ngọn lửa đỏ chót hình cánh quạt ra bốn phía, nhưng que diêm không bay vút đi như ý định ban đầu, chắc do lực ấn ngón tay cái mình quá mạnh, que diêm cũng thuộc loại “hàng tuyển” trong hộp nên thân gỗ khá mập mạp (hồi đấy diêm vẫn được làm thủ công chứ chưa làm bằng máy đều tăm tắm như bây giờ) ngay lập tức que diêm cắm xuyên qua vỏ hộp, xuyên qua lớp giấy nhám có chức năng tạo ma sát trên vỏ, chưa dừng lại que diêm tiếp tục xuyên qua lớp giấy bìa làm ngăn chứa các que diêm khác bên trong hộp nghe một tiếng đến “phập” (!!!) Mình chợt nhớ ra bên trong hộp diêm vẫn chứa đầy ắp các que diêm còn mới tinh chưa cháy, nhưng nhanh hơn cả dòng suy nghĩ của mình, toàn bộ diêm trong hộp đồng loạt bắt lừa mình cảm nhận rõ những tiếng “xì xì” trong lòng bàn tay, đến khi mình nhận thấy có luồng khí nóng bùng lên thì mọi thứ đã muộn, một cảm giác đau chói chạy dọc cánh tay lên tận óc và ngay lập tức mình vung tay ném nguyên cả hộp diêm đang cháy khét lẹt lên không trung, hộp diêm bay vút đi và mình nghe bên trong vẫn còn tiếng “xì xì” liên tục của những que diêm đang nối tiếp nhau bắt lửa, hộp diêm tiếp tục cháy đến vài phút sau mới tắt hẳn, còn bàn tay mình bị phồng rộp phải bôi kem đánh răng đến cả tuần sau mới khỏi (!!!) Sau này “sư phụ hàng xóm” thậm chí còn luyện được chiêu dùng hai ngón tay kẹp que diêm và “búng lửa” chỉ bằng một tay nhưng tuyệt nhiên không dám chỉ dậy cho mình nữa …
Ngày 5.4.2020 (còn tiếp)
———***———
Xin Lỗi “Đầu Xanh”
(Phần Tiếp)
Khu Vườn Nhỏ
Nhà mình ở rìa thị xã, ngày xưa, ở rìa thị xã là một cái gì đó xa xôi cách trở lắm, là cách xa khu phố sầm uất, xa công viên, xa chợ, xa trường học, là “xa xôi cách trở” muốn đi mua thứ nọ thứ kia dù là mớ rau hay cái bóng đèn sợi đốt cũng phải “vác xe đạp” mà đi …
Nhưng với mình, ở rìa thị xã là một điều gì đó vô cùng tuyệt vời (!!!) Vì cả khu phố chỉ có lác đác vài mái nhà ngói đỏ rêu phong, đường xá thì toàn những ổ voi sâu hoắm, mùa hè đầy bụi đất đỏ, mùa mưa thì sình lầy chẳng có xe cộ nào dám đi qua nên an toàn vô cùng – mình cứ tự do băng qua đường mà chẳng phải sợ hãi điều gì …
Ở một nơi thoáng đạt, cách xa trung tâm đôi khi cũng có cái hay của nó, vì mở cửa ra là gió lùa vào tận nơi đem theo những hơi cỏ thơm nồng, mùa hè những tiếng côn trùng “vo ve”, tiếng “kéo đàn” khe khẽ của những chú dế, tiếng bú rách “chẹp môi”, tiếng chão chuộc “nhắc đòi tiền” lanh lảnh, tiếng ếch chiêng văng vẳng đến nửa đêm … tất cả tạo lên một bản nhạc đồng quê – những điều mà ngay cả những đứa bạn học cùng lớp với mình cũng không có cơ hội tận hưởng mặc dù nhà chỉ cách có vài con phố (!!!)
Mỗi buổi chiều đi học về, mình thường lén chạy ra đầu phố : Gọi là “đầu phố” cho oai , cho giống “dân thị xã” thôi chứ thực ra “đầu phố” là bờ ruộng, đứng ở “đầu phố” là có thể nhìn ra xa xa nơi cánh đồng lúa trải dài tít tắp, không giống như những cánh đồng thẳng cánh cò bay ở miền đồng bằng, cánh đồng ở miền trung du không thể trải dài tận phía chân trời, mà ẩn sau những ngọn núi đồi xa xa …
Mỗi khi chạy nhảy chán chê ngoài “Cánh đồng”, mình thường phải ngồi lại trên bờ cỏ, dành thời gian nhổ những bông cỏ may bám lấm tấm đầy trên chiếc quần vài đồng phục màu xanh nước biển bạc phếch nếu không muốn về nhà “bị mắng”, đôi khi cỏ may bám nhiều quá, mình cứ ngồi lỳ trên bãi cỏ cặm cụi nhổ cho bằng hết mà không để ý ngẩng đầu lên thì trời đã tối mịt từ bao giờ …
Có lẽ những năm tháng tuổi thơ chạy nhảy nô đùa ngoài đồng ruộng khiến mình có niềm yêu thích đặc biệt đối với cây cỏ và thiên nhiên, cái cảm giác mỗi chiều mùa hè sau khi tha hồ “đốt năng lượng dư thừa” mồ hôi ướt sũng mệt quá nằm lăn giữa bãi cỏ, khẽ nhắm mắt cảm giác những gợn cỏ đâm qua lưng áo nhoi nói nhưng mát lạnh, mồ hôi như khiến làn da nhạy cảm hơn với những thay đổi xung quanh, khiến con người ta có thể cảm nhận được từng gợn gió thổi qua người mát lạnh …
Mình thường mang theo những đám dây leo mọc rải rác trên bờ ruộng về nhà “gieo trồng”, do mình có cảm tình đặc biệt đối với những loài cây leo, mình vẫn luôn hình dung ra sẽ “uốn nắn” chúng mỗi ngày theo hình dạng mà mình muốn (!!!) Đôi khi vì mải chơi không để ý “uốn nắn” mỗi ngày, khiến đám dây leo “du nhập” từ ngoài ruộng mọc không kiểm soát, bám đầy lên tường xanh rì, từng “dây” đâm ra tua tủa tự uốn lượn cuốn lấy mọi thứ chúng gặp – đến nỗi bờ rào quanh tường bao trong vườn có nguy cơ đổ sập, bố lại phải dành một buổi dọn dẹp toàn bộ đám dây leo mọc dại do mình “du nhập” vác từ ngoài ruộng về …
Trong khu vườn nhỏ phía sau nhà có một cây Đào rất cao lớn, nghe mẹ kể hồi mới dọn ra đây ở, có được học trò cũ đang công tác trên Sa Pa biếu vài quả Đào chín giòn rất ngon, nên sau khi ăn xong đã chôn một vài hạt đào phía sau nhà, không ngờ sau đó mọc lên 1 cây đào nhỏ, cây đào ngày càng xanh tốt, bác hàng xóm khi đó mấy lần sang xin “đánh” cây đào về trồng, nhưng mẹ không đồng ý, từ đấy cây đào cứ thế lớn lên tươi tốt, xanh um, mọc cao vút qua cả mái nhà …
Cây đào mọc tự nhiên thường chẳng bao giờ ra hoa đúng mùa xuân, cũng chẳng quá quả to giống như đào rừng sapa, mà thường nở hoa lác đác khi tết xong – thời tiết ấm lên, và sau đó cũng chỉ lìu tìu vài quả còi cọc chả bõ dính răng …
Mẹ thường bảo : Cây đào này rất “khôn”, sợ bị chặt cành trưng tết nên năm nào cũng hết tết rồi mới dám ra hoa …
Biết mình đã đến tuổi nghịch ngợm, bố chặt gọn toàn bộ những cành nhỏ quanh gốc cây khiến thân cây thẳng đuột, không có bất cứ vị trí nào có thể đu bám, nhằm ngăn chặn thằng con quý tử leo trèo có ngày ngã u đầu
Bố mẹ thường rất yên tâm và có phần tâm đắc khi đã có những biện pháp “dự phòng” sớm như vậy
Nhưng sự thật là càng ngăn cản, càng khó khăn, thì với mình đấy lại là cả một sự thử thách cần vượt qua : Mình đã dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ xem làm thế nào có thể trèo lên được tận ngọn cây …
Đã nhiều lần mình tìm cách xếp những viên Cay thừa vất lăn lóc ở góc vườn (một loại gạch giá rẻ đúc thủ công bằng vữa và đá vụn, thành phần xi măng cát rất thấp, bở và độ bền không cao dùng để làm tường bao) chồng lên nhau quanh gốc cây để tăng chiều cao thử tìm cách trèo lên cành ngang gần nhất, nhưng vì gốc cây ẩm ướt rất trơn, vẫn cách cành ngang chĩa ra một khoảng cách khá xa nên thất bại …
Mình tìm cách xếp chồng nhiều viên gạch kích cỡ nhỏ hơn lên phía trên nhìn hệt như một cái kim tự tháp, nhưng càng xếp chồng gạch lên cao thì những viên gạch phía trên sẽ không vững chãi, khiến mình đứng lên bị chới với, suýt ngã ngửa mấy lần nên cũng không khả thi
Mình nghĩ ra một cách dùng những cây đinh lớn đóng vào thân cây để làm điểm tựa – thì sợ bị phát hiện – mình sẽ không có cách nào “dọn dẹp” sạch dấu vết trước khi bố mẹ đi làm về (…)
Đang trong đà bế tắc thì một lần các anh chị lớp 12 mẹ chủ nhiệm đem qua nhà một sợi dây thừng sau khi dùng trong hội thao (thi kéo co) còn dư, sợi dây rất to và bền chắc, ngay khi nhìn thấy sợi dây mình đã hình thành nên một ý tưởng trong đầu : Ngay ngày hôm sau mình đã sử dụng sợi dây ném qua cành ngang gần nhất rồi buộc hai đầu dây lại, dùng sợi dây làm điểm bám chắc chắn cùng với 3 hàng Cay xếp chồng phía dưới, mình nhẹ nhàng bước từng bước chân theo phương ngang trèo lên cây rồi ngồi vắt vẻo trên cành cây một cách hiên ngang – cảm giác chinh phục “đỉnh cao” cũng chỉ sung sướng đến như vậy là cùng (!!!)
Từ ngày vượt qua “thử thách” sáng nào mình cũng leo tót lên trên cây ngồi, ban đầu mình chỉ dám ngồi ở những cành ngang thấp gần mặt đất, nhưng sau máu “chinh phục” nổi lên, mình leo lên ngày càng cao, và đến một ngày thì đã ngồi vắt vẻo tít tận trên ngọn cây cao vút …
Trái với cảm giác có phần “an toàn” khi ngồi buông thõng 2 chân ở những cành cây đâm ngang gần mặt đất, những cành gần gốc thường rất to và vững chãi, đôi khi mình “quen” đến mức có thể đi lại tự do giữa các cành cây, thậm chí ngồi buông thõng hai chân mà đọc sách mà chẳng hề cảm thấy nguy hiểm gì – nhưng trên ngọn cây là một cảm giác khác : Ở trên cao gió thổi rất mạnh, ngọn cây liên tục đung đưa dập dìu theo từng con gió khiến mình sởn gai ốc, đôi khi những con gió mạnh khiến cành cây rung lắc dữ dội, từng đám lá cây dạt sang mọi hướng, táp vào da thịt khiến mình đau rát, những cơn gió thổi trên ngọn cây cũng khiến mình nhanh chóng bị mất nhiệt, cảm giác rõ ràng chân tay dần lạnh cóng lại – mặc dù đang vào giữa mùa hè (!!!) Lần đầu tiên “chinh phục” được ngọn cây mình chỉ dám dừng lại trên đỉnh vài phút đủ để tận hưởng cảm giác chiến thắng mà thôi – sau đó nhanh chóng lần mò leo xuống dưới, khi dừng lại ở cành ngang gần gốc quen thuộc vẫn còn cảm thấy chân tay run lẩy bẩy …
Mặc dù lần đầu nếm trải cảm giác cheo leo nguy hiểm trên cao, nhưng sự tò mò và tính hiếu kỳ của trẻ con luôn là một điều gì không hề có giới hạn và không thể đong đếm được (!!!) Chỉ ngay ngày hôm sau, mình lại tìm cách leo lên đỉnh ngọn cây Đào cao vút trong vườn, lần này không hiểu sao nỗi sợ hãi mới chỉ ngày hôm qua thôi đã nhanh chóng biến mất, thay vào đó là sự choáng ngợp với khung cảnh rộng lớn trải dài trước mắt, những mái nhà, những lùm cây, những hồ nước, những cánh đồng xa xôi, những ngọn đồi nhấp nhô mờ ảo – những khung cảnh mà một đứa trẻ lớn lên ở ngoại ô, vẫn được bố mẹ bao bọc tới tận răng chưa bao giờ được thể nghiệm … mình khẽ nheo mắt, vừa để nhìn đi xa hơn, vừa để tận hưởng từng cơn gió lướt qua gương mặt, những cơn gió mà mới hôm qua thôi còn khiến toàn thân run rẩy, tiếng gió ù ù bên tai theo từng nhịp điệu, lâu dần mình có thể cảm nhận từng chiếc lông tơ trên da thịt cũng đã bị gió thổi dạt sang một bên giống như những chiếc lá cây đang xào xạc xung quanh vậy
Cảm giác đứng từ “trên đỉnh” nhìn xuống hóa ra là như vậy đấy (!!!)
Mỗi ngày nhân lúc bố mẹ đi làm, mình đều trèo lên đỉnh ngọn cây để hóng gió, lâu dần thành quen, có lẽ do trọng lượng nhẹ, mình thậm chí chỉ cần dùng hai chân “cặp” vào ngọn cây, còn hai tay khoanh trước ngực, đôi khi dang ra như làm động tác đang bay, cũng chẳng vấn đề gì, một lần mò được cái “gác-ba-ga” xe đạp cũ để trong kho đồ cũ, mình tìm cách vác lên đỉnh ngọn cây, gắn nó vào một đoạn chạc ba, chiếc gác ba ga xe đạp vốn có nhiều đoạn sắt uốn nhô ra để bắt vít với khung xe đạp, nên vừa khéo rất khít với đoạn chạch 3 trên ngọn cây, mình cứ thế ngồi trên gác ba ga mỗi ngày cảm giác chẳng khác gì ngồi trên “ngai vàng” của riêng mình, đám lá cây xanh tốt che phủ cũng khiến chiếc gác ba ga bí mật của mình không bị lộ, lâu dần thân cây phát triển khiến chiếc gác ba ga bị “Ăn” vào sâu trong thân gỗ, không thể nào nhấc ra được nữa …
—***—
Mùa hè nhanh chóng trôi qua, vào năm học mới, mẹ vẫn đi dậy vào buổi sáng, còn mình học buổi chiều, nên thời gian “tự do” của mình vào buổi sáng vẫn còn rất nhiều mà không sợ bị ai “quản thúc”. Một ngày nọ mẹ mua về một đàn gà con lông vàng có khoảng chục chú gà con lông vàng ươm mới ấp nở chưa lâu, đựng trong một chiếc lồng nhỏ, liên tục kêu “chiếp chiếp”, mẹ bảo vườn nhà mình đang trống, thả vào trong vườn cho chúng nó bới giun ăn, con buổi sáng ở nhà thì thái rau, rắc cám cho gà ăn …
Vốn bản tính hiếu kỳ, lại cũng thích động vật nên thời gian đầu mình rất hứng thú, ngày nào cũng dậy sớm cho gà ăn, có đợt mình thái cậng rau muống thành những miếng nhỏ, thái nhiều đến nỗi vùng da trên bàn tay tiếp xúc với cán dao gỗ phồng rộp, bong da từng mảng, rồi sau đó nhanh chóng dầy lên, nghe mẹ nói đấy là dấu hiệu của “Chai tay”, dù hơi đau nhức tí nhưng đang “thích nuôi gà” nên mình bất chấp, vẫn thái rau đều đều, thêm nữa cảm giác xếp từng cậng rau muống thành từng bó ngay ngắn, rồi dùng dao “gọt” từng nhát hết sức thú vị – cơ bản là mình cũng thích “nghịch dao” nữa (!!!)
Đàn gà con không có gà mẹ (do ấp nở nhân tạo bằng bóng đèn sợi đốt) nên thấy mình ngày nào cũng cho ăn đúng giờ thì quấn mình lắm, nhìn thấy đều kêu “chiếp chiếp” chạy theo
Vào năm học mới mình được cô giáo chọn vào đội tuyển thi học sinh giỏi cấp “thị” (cấp Thị Xã) nên lịch học bồi dưỡng và bài tập nhiều hơn bình thường gấp bội (!!!) Thành ra sáng nào cũng phải ngồi làm bài tập xong thì mới dám ra vườn chơi, thời gian “leo cây” cũng chẳng còn nhiều vì nhiều buổi sáng mình mải làm bài tập đến tận trưa mà vẫn chưa xong (!!!)
Vì thời gian học tăng lên, nên để đảm bảo sức khỏe về mắt, mẹ xắp xếp cho mình một cái bàn học ngay dưới mái hiên hướng ra vườn, để đảm bảo ánh sáng mặt trời, ngồi học giữa thiên nhiên có lẽ khiến mình học tập hiệu quả hơn, thời gian làm bài tập được rút ngắn, dần dần mình có thêm thời gian “tận hưởng thiên nhiên” như trước (…)
Đàn gà con mỗi lần thấy mình ngồi học bài thì kéo đến ríu rít dưới chân, đôi khi mình để rổ rau bên cạnh bàn học, thỉnh thoảng “tung rau” khiến chúng “líu ríu” một chốc rồi tranh nhau mổ rau xung quanh phút chốc sạch bách khiến mình rất thích thú (!!!)
Một lần trong khi đang bơm mực từ lọ mực Cửu Long vào ruột bút Trường Sơn, thì bất ngờ một gọt mực từ bọng chứa mực trên thân bút rơi ra, nhỏ xuống đầu một chú gà con trong đàn gà vẫn luôn ríu rít phía dưới chân bàn học, giọt mực màu xanh thẫm nhanh chóng lan ra, tạo thành một vết mực màu xanh trên bộ lông vàng khiến chú gà nổi bật hẩn, mình gọi chú là “Đầu Xanh”
“Đầu Xanh” nổi bật giữa đám gà con, không nổi bật sao được vì cái đầu loang lổ vết mực cả mới cả cũ – vì mỗi ngày nếu thấy vết mực mờ đi chút ít, là mình sẽ ngay lập tức lấy chiếc bút Trường Sơn thần thánh, tháo nắp, dùng 2 ngón tay bóp giữ bầu lấy mực nhúng vào miệng lọ mực lớn, rồi nhả tay, sau khi đó nhanh chóng rình Đầu Xanh đang phía dưới chân bàn nhỏ thêm 1 giọt mực vào vị trí cũ để “đánh dấu”
Vì thế đầu xanh sẽ luôn nổi bật và dễ nhận biết trong cả đàn gà …
—***—
Dạo đấy trẻ con trong xóm đang có trào lưu chơi trò máy bay bằng xốp siêu nhẹ có gắn cánh quạt ném lên trời bay một vòng rồi lượn trở lại vị trí người ném (theo cơ chế khí động học) rất tuyệt, trào lưu nhanh chóng lan ra từ mấy cửa hàng bán ô-mai cổng trường tiểu học, dần dần đứa nào trong lớp cũng có một cái (!!!) mặc dù mình rất thích, nhưng biết chắc bố mẹ nghiêm khắc, sẽ không bao giờ đồng ý mua cho mình một món đồ chơi theo trào lưu “đua đòi” nên cũng chẳng dám mở lời xin bố mẹ, chỉ thỉnh thoảng đi học mượn của lũ bạn “chơi thử” một tí
Khi máy bay đã lượn khắp sân trường vào mỗi giờ ra chơi, thì mình quyết định sẽ tự làm một cái máy bay bằng tre dán giấy từ cái cán chổi cũ dựng góc nhà (!!!)
Sau đúng 1 tuần “gọt” và “dũa” “cắt” “dán” cộng thêm “phá” tan 3 cái cán chổi (để lấy tre) thì máy bay cũng hình thành, máy bay của mình không tự quay trở lại như máy bay khí động học được, mà mình phải trèo lên tận ngọn cây để “ném” xuống, mỗi lần như vậy máy bay thường bay kiểu “bổ nhào” hệt như tiêm kích (!!!)
Mình sau này mới biết thứ mình làm ra là loại máy bay ném bom vô cùng hiện đại – hóa ra mình đã có tư duy đi trước thời đại từ tấm bé là thế (!!!)
Rồi chợt có ý tưởng nảy ra trong đầu, mình chợt nghĩ : Có máy bay chiến đấu rồi tại sao không làm thêm “lính nhảy dù” nhỉ
“Lính nhảy dù” hồi đấy là một cái gì đó hết sức mới lạ, vì chỉ có thể nhìn thấy trên tranh ảnh, sách báo mà thôi, mình hình dung chỉ cần một tấm vài cắt tròn và khâu nhiều sợi dây chỉ với nhau buộc vào mô hình “lính” làm bằng đất nặn – loại vẫn dùng để nặn bài tập thủ công trong giờ mỹ thuật là được (!!!)
Mình xin mẹ một tấm vải cắt ra từ chiếc áo cũ, mượn thêm bộ kim chỉ nhiều màu lấy cớ là để tập làm bài tập thủ công (!!!)
Mình gập tấm vải vào thành nếp hình dẻ quạt, gấp làm 8 lần chồng lên nhau, sau đó dùng kéo cắt may cắt một hình khuyên ở giữa, sau khi mở ra là có được một hình tròn với nhiều cạnh uốn lượn đan xen rất đều nhau, khi dùng dây chỉ xuyên qua từng cạnh rìa tấm vải một cách đều nhau rồi túm các đầu chỉ lại với nhau là được một chiếc dù đích thực (!!!)
Ban đầu mình dùng rất nhiều vật nặng để “thử” chiếc dù : Nào là con rô-bốt bằng nhựa cũ, hòn sỏi nhỏ, hình nộm đất sét hay chiếc ô tô đồ chơi thả từ trên ngọn cây – vị trí cao nhất mà mình thường leo lên – đều thành công mỹ mãn, dù thả từ trên ngọn cây xuống đều “bung” và trong lần thử nghiệm gần nhất, chiếc ô tô đồ chơi chầm chậm “hạ cánh” hệt như một chiếc xe bay trong phim điện ảnh (!!!)
Nhưng mình vẫn chưa thỏa mãn, mình chợt nghĩ “Hay là nâng khả năng của chiếc dù lên một tầm cao mới !!!” Mình cần một “tình nguyện viên” để “nhảy dù”
Và mình đã nhìn chúng “Đầu Xanh” đang lang thang bới đất ở góc vườn gần đấy …
—***—
Để chuẩn bị cho Đầu Xanh thực hiện sứ mệnh vĩ đại “Nhảy Dù” từ ngọn cây, mình đã lên một kế hoạch kỹ lưỡng :
Đầu tiên, mình cần “may” một chiếc áo nhảy dù cho Đầu Xanh, mình “đo” kích cỡ thân mình của “Đầu Xanh” một cách kỹ lưỡng, sau đó lấy một miếng vải khoét 2 lỗ nhỏ phía dưới để lọt 2 chân của Đầu Xanh, đồng thời khoét 2 rãnh dọc hai bên để luồn hai bên cánh ngắn ngủn mới chỉ mọc lông tơ của Đầu Xanh vào, rồi khâu túm ở phía lưng, có để chừa hai đầu chỉ to để buộc với phần dây nối trên chiếc “Dù” đã được thử nghiệm nhiều lần thành công trước đó …
Mỗi lần mình tiến hành “đo đạc” Áo Nhảy Dù “Đầu Xanh” thích lắm (!!!) Cu cậu kêu “chiếp chiếp” liên hồi vì tưởng được cho ăn (…) Mình còn định may cho “Đầu Xanh” một cái mũ bảo hiểm, nhưng vì phần đầu rất khó đo đạc, cộng thêm cu cậu không hề chịu ngồi yên, thử nghiệm thì sắp diễn ra rồi (do mình nôn nóng) nên mình bỏ qua phần “bảo hộ đầu” (!!!) Một phần cũng do “hạn chế về công nghệ” hồi đó …
Cuối cùng thì ngày trọng đại cũng đã đến, mình cho “Đầu Xanh” mặc áo nhảy dù được thiết kế đặc biệt, sau khi buộc chiếc áo với 16 sợi dây dù, mình cho đầu xanh vào trong chiếc hộp, vác lên trên đỉnh ngọn cây để chuẩn bị thực hiện “Cú Nhảy Thần Thánh” sẽ đi vào lịch sử chưa từng diễn ra trong khu vườn nhỏ này (!!!)
Đầu Xanh ở trong hộp cạc-tông kín như bưng, chỉ kêu “chiếp chiếp” liên hồi
Mình rất nhanh chóng đã leo lên đến đỉnh ngọn cây, đoạn mình mở hộp, đầu xanh ló đâu ra thì nhìn ngó xung quanh đầy lạ lẫm, mình cũng “chẹp chẹp” trấn an vài câu (!!!) Chiếc dù đã được mình gấp thành hình dáng khí động học từ trước, sao cho chỉ cần thả xuống kèm một vật nặng, trọng lượng sẽ kéo 16 sợi dây chỉ khiến dù bung ra một cách đẹp mắt, Đầu Xanh sẽ nhẹ nhàng tiếp đất mà không có bất cứ trở ngại gì , rồi Đầu Xanh sẽ trở thành anh hùng trong mắt lũ gà con trong đàn, mình đã nghĩ có khi sau lần này sẽ đổi tên “Đầu Xanh” thành “Phạm Xanh” nhằm tôn vinh những cá nhân kiệt suất đi đầu …
Mình dùng 2 tay đưa Đầu Xanh cùng tổ hợp Dù ra phía trước, Đầu Xanh lúc này mới chợt nhận ra bản thân đang ở vị trí cách quá xa mặt nước biển nên hoảng loạn kêu “chiếp chiếp” liên hồi, đoạn vẫy vẫy đôi cánh ngắn ngủn, đôi chân đạp đạp liên hồi (…) Mình cố gắng giữ chặt Đầu Xanh, rồi nhằm đúng cơn gió đang thổi tới, mình nhanh chóng buông tay, Đầu Xanh sau khi rơi xuống một đoạn bắt đầu hoảng loạn, vẫn đôi cánh ngắn ngủn một cách điên cuồng, miệng kêu lên từng tiếng thất thanh, mình chắc mẩm trong đầu dù sẽ mở, lúc đấy Đầu Xanh sẽ nhẹ nhàng đáp xuống ở một vị trí xác định từ trước hệt như một chiếc máy bay hạ xuống đường băng …
Đầu xanh tiếp tục lao xuống từ ngọn cây với tốc độ ngày càng cao hơn, lúc này mình chợt nhận ra 16 chiếc dây chỉ nối với các cánh dù không hề bung ra như những lần thử nghiệm trước mà trở nên xoắn vào nhau, kéo theo chiếc dù nhăn nhúm xoay thành vòng tròn với tốc độ xoay cũng nhanh không kém – có thể do Đầu Xanh đã nhảy “sai kỹ thuật” trong trạng thái hoảng loạn – khiến dù không mở (!!!)
Đầu xanh lúc này đang ở tư thế chúi đầu xuống đất, lao với vận tốc ngày càng nhanh hơn, chân đầu xanh dãy dụa, đôi cánh ngắn ngủn đập đập liên hồi trong khuông trung, một sợi dây chỉ mắc vào móng chân bên trái, Đầu Xanh bị vướng chân ngoái đầu lại nhìn, chiếc chân bị móc đang cố gắng giật giật liên hồi nhằm tháo gỡ tình thế …
“Bịch” một tiếng động khô khốc vang lên
Từ trên cao, mình chỉ còn thấy Đầu Xanh nằm bất động trên nền đất, đầu nghẹo hẳn sang một bên, toàn thân không còn cử động
Chiếc dù nhăn nhúm với những sợi chỉ nhiều màu nằm yên bên cạnh, sợi chỉ màu đỏ vướng vào ngón chân đã đứt ra từ khi nào …
Trong lòng mình một cảm giác trống rỗng đến nghẹt thở
Mình cố gắng bình tĩnh, đặt Đầu Xanh vào trong chiếc hộp giấy …
Mẹ đi làm về, chỉ nhẹ nhàng hỏi chuyện, rồi không trách cứ, mẹ dặn dò mình chôn Đầu Xanh ở góc vườn, bên trong chiếc hộp giấy
Mình lặng lẽ làm theo, lúc này nước mắt nước mũi đã dàn dụa khắp gương mặt, đôi mắt mình đã mờ cả đi, giọng nấc lên từng tiếng
“Xin lỗi Đầu Xanh”
—***—
Sài Gòn
Ngày 31.10.2020