Ngày Đầu Nhập Học
23h00 : 01.09.2018
Ngày đầu tháng 9, mùa thu, ngày khai trường … tất cả gợi nhớ lại ngày đầu lên Hà Nội nhập học cách đây cũng đã 10 năm …
Nhận được giấy báo trúng tuyển đại học Y cũng được cỡ hơn tháng, đến sát ngày nhập học, gia đình mới bàn chuyện chuẩn bị đồ đạc đưa “quý tử” lên Thủ đô
Dạo đó ngay sát nhà có cô chú hàng xóm chuyên buôn hàng (lậu) từ Lạng Sơn – Hà Nội, gia đình này rất hay : xe trở khách 29 chỗ của nhà, chồng lái xe, vợ lơ xe, căn nhà tối nào cũng chất đầy hàng (lậu), người người ra vào đông vui tấp nập …
Cô chú bảo với mẹ :
“Xe em ngày nào cũng đi đường Tôn Thất Tùng, qua cổng trường cháu luôn !!!
Đến buổi sáng sát ngày nhập trường, mình mới khăn gói quả mướp cùng mẹ chờ xe ở cửa nhà, đợi chuyến trở khách và hàng (lậu) từ Lạng Sơn – đi ngang qua thành phố Bắc Giang, đón mình cùng đi Hà Nội (…)
Gọi là khăn gói quả mướp, nhưng mình mang theo cơ man nào là đồ đạc : quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm, lại còn có cả một bao tải đựng gối, chăn mỏng – để đắp (do tiết trời đã vào thu se lạnh), nhét cả ga trải giường vì sợ chết rét – lại còn có cả một cái chiếu đan bằng tre gấp đôi lại được – đồ được bác phụ huynh tặng, thế là gấp lại rồi cuộn tròn đem theo – nom lỉnh kỉnh, như đi sơ tán (!!!)
Xe đến, chú Bốp ( tên chú lái xe) nhìn đống đồ đang chất đống trước cửa nhà rồi hỏi :
-Hai mẹ con còn gì nữa không ???!!!
Mình bảo :
-Còn cái xe đạp, chú trở được không ?!
-Được !!! Vất lên nóc (!!!)
Thế là chú quẳng cái xe lên nóc rồi lấy dây chằng lại, cái bao tải chống rét và đống sách vở của mình thì nhét cốp
Đi xe người quen có khác, cảm giác vác theo cả nhà cũng được (!!!)
Thế là hai mẹ con bắt đầu hành trình lên thủ đô …
Hồi đó đã có quốc lộ 1A mới nối liền Hà Nội – Bắc Ninh – Bắc Giang đường rộng và thoáng, đi Hà Nội – Bắc Giang qua Bắc Ninh hết có 1 tiếng rưỡi (!!!) Nhưng xe trở hàng (lậu) nên phải đi đường 1A cũ để né chốt – thành ra thời gian kéo dài gấp 3 :
Mình lên xe lúc 6h sáng – đến gần 11h trưa mới tới Gia Lâm – Ngoại thành Hà Nội …
Xe sóc kinh khủng và trên xe nhung nhúc người …
Đa phần là các bà các mẹ buôn hàng lậu Trung Quốc từ cửa khẩu Lạng Sơn : xe kéo kín rèm và hàng hóa thì nhét khắp nơi , chưa kể cô phụ xe kéo khách rất chuẩn – nhắm thấy ven đường có đối tượng nào đeo ba lô vẻ chờ đợi, là ra hiệu cho chồng giảm tốc đánh lái sát lề, mở cửa và lôi cái vèo lên xe ra giá rồi thu tiền …
Mình : một thanh niên 18 tuổi đầy hoài bão, ở trên đỉnh cao chiến thắng, mang theo niềm tự hào của cả gia đình dòng tộc – đang trên bước đường ra Hà Nội, đến với thủ đô thực hiện ước mơ !!!
Cảm giác trong tâm thế như thế thật khó có thể quên …
Xe đi đến đoạn Bắc Ninh, thì đón một bà chị buôn đồ Trung Quốc – chắc là mối quen – chị này rất nhanh chóng thẩy một lúc ba bốn bao tải hàng lên xe chất đống đầy lối đi rồi mới ra hiệu cho chú Bốp đóng cửa
Từ lúc có chị nhà buôn mới lên : không khí trên xe thay đổi hẳn !!!
Việc đầu tiên chị làm là mở nút thắt bốn bao tải đồ : mình thấy cơ man nào là đồ chơi trẻ con trung quốc, rô bốt đồ hàng, mặt nạ, kiếm nhựa, súng nhựa …vv thêm một bao toàn đồ gia dụng móc quần áo, lô cuốn tóc gương lược bàn chải cũng của Trung Của nốt …
Tất cả những thứ đồ lỉnh kỉnh trong các bao tải chất đống giữa lối đi rất nhanh chóng được nhét đầy dưới gầm ghế của khách đi xe đang ngồi (!!!) cứ đến mỗi ghế chị lại rất nhanh nhảu xin phép nhét hàng, và chưa kịp đợi khách đi xe đồng ý, chị đã nhét đầy hàng hóa dưới chân người ta rồi …
Dọc đường đi, khi đến một điểm giao nhận hàng thì chị lại lôi đồ dưới chân khách ra, nhét lại vào bao và ném xuống cho người nhận, đồng thời lại nhận lên xe một hai bao tải nữa, sau đó chị lại nhanh chóng phân tán hàng hóa ra nhét nhét khắp mọi chỗ trên xe có thể (!!!)
Nghe loáng thoáng thì chị này còn rất trẻ nhưng đã là đầu mối đổ hàng lậu ở Bắc Ninh rồi, ngày nào cũng theo xe nhận rồi chuyển hàng rải đi khắp nơi từ Bắc Giang Hà Nội Lạng Sơn đủ cả …
Mọi chuyện tiếp tục diễn biến như thế, cho đến khi tới Gia Lâm thì bà chị đã chuyển lên chuyển xuống được cỡ chục lượt hàng, mình nhớ rõ vì hai mẹ con ngồi ngay băng ghếđối diện cửa lên xuống , thành ra việc phải nhấc chân lên rồi hạ chân xuống để chị “xuất-nhập” hàng là đầu tiên !!!
Xe đã vào nội thành Hà Nội, đường đông, và phải đi chậm, “chốt” cũng nhiều nên cô chú Bốp cũng không thấy dừng xe, tạt lề, hay bắt khách nữa (!!!)
Lúc này người “nữ thương gia” năng động tài năng mới có thời gian ngồi yên, ăn bánh và uống nước …
“Nữ thương gia” kê ghế nhựa, ngồi ở hành lang giữa hai băng ghế, ngay cạnh mình luôn !!!
Khi đó mình mới có dịp nhìn kỹ gương mặt của “nữ thương gia” đã làm phiền chân mình suốt cả chuyến đi :
Một chị còn trẻ, dáng người nhỏ nhắn nhanh nhẹn, gương mặt toát lên vẻ thông minh và đặc biệt có có đôi mắt rất sáng (!!!)
Chẳng đợi mình phải nhìn lâu, nữ thương gia bắt chuyện với mẹ mình ngay !!!
“nữ thương gia” nói liên thoắng :
-Cô đưa cháu đi nhập học à , cô thông cảm làm phiền hai mẹ con quá, đợt này sinh viên lên nhập học nhiều, lại sắp trung thu nữa nên hàng hóa buôn bán cũng nhiều theo …
-Cô ở Bắc Giang ạ, cháu quê gốc cũng ở Bắc Giang, nhưng ở huyện, mà cháu cũng chẳng nhớ tên là huyện gì
-Giờ cháu ở Lạng Sơn , gần cửa khẩu Tân Thanh …
-Nhà anh chị ở Bắc Ninh, chuyến đêm qua cháu đổ hàng ở đấy …
-Buôn lời lãi cũng chẳng được bao nhiêu, thỉnh thoảng Kinh Tế nó tóm thì cũng mất hết …
-Úi em đeo kính thế này chắc phải học giỏi lắm nhỉ …
-Cháu bỏ học lâu rồi …
Mình chỉ ngồi yên ,suy nghĩ mải miết theo những câu chuyện
Bất chợt mình quay sang hỏi :
-Chị sinh năm bao nhiêu ???!!!
“nữ thương gia” ngừng lại giây lát – nhìn thoáng vào gương mặt mình rồi hỏi lại:
-Thế ấy sinh năm bao nhiêu ?!
-89
-Bằng tuổi
Sau đó cô gái quay mặt đi và im lặng …
Ngày đầu nhập học.
Lời Tác Giả :
Bài viết được đăng trên Note Facebook Cá Nhân Ngày 1.92018
Tháng 9 đánh dấu bước vào mùa thu, mùa tựu trường, khiến nhiều hồi ức của những thủa ban đầu trở về trong tiềm thức sống động rõ ràng hơn bao giờ hết
Ảnh đính kèm : Gương mặt sinh viên năm nhất (Ảnh chụp mùa thu năm 2008 (cách đây đã hơn 10 năm)
Comment từ bạn bè trên facebook
Những Bài Viết Liên Quan Cùng Trong Series “Xóm Trọ Truyền Kỳ”
XÓM TRỌ TRUYỀN KỲ
Bài viết liên quan :
Hồi xưa nhìn Bác trông cũng ổn mà sao ngành y bào mòn chừ bác tàn dữ vậy ( không muốn nói là xấu ngen :))))