ĐƯỜNG VỀ
Đã lâu lắm rồi tôi không về quê nội, mặc dù cách thị xã không xa, nhưng nhẽ vì cuộc sống tất bật, nên chỉ mỗi dịp hè, bố mẹ mới đưa tôi về thăm ông bà nội, thời gian cũng chẳng nhiều, lâu nhất cũng chỉ hai tuần, rồi lại đón lên ngay, phần vì nhớ, phần vì chuẩn bị học hè …
Nhà nội nằm cuối làng, đi từ đầu làng cứ thẳng tuột theo con đường đất nhỏ ven kênh dẫn nước, đến cây si cổ thụ ngó sang phải thấy ngôi nhà lợp ngói đỏ rêu phong là tới nhà nội – mỗi lần đạp xe đưa tôi về nghỉ hè, bố đều dặn tôi cách nhớ đường như thế, để tránh bị lạc nếu lỡ đi chơi đâu.
Đợt này nghỉ phép được mấy ngày, vừa cắt phép là tôi bắt chuyến bay đêm từ Sài Gòn, xuống Nội Bài thì cũng đầu giờ sáng, vạ vật mấy tiếng ở sân bay cũng bắt được chuyến xe buổi sớm về thành phố, về đến nhà thì người cũng thấm mệt, nhưng chỉ kịp cất tạm hành lý, tôi cùng bố về quê nội (…)
Mấy năm trời đi xa, phố xá hai bên đường cũng thay đổi nhiều, đến độ chẳng nhận ra, làm tôi đi quá mấy ngã rẽ, thấy tôi lạ lẫm bố bảo ra sau bố đèo, thế là 30 tuổi đầu, lại ngồi sau lưng bố, giống như ngày xưa, trên chiếc xe đạp cũ …
Đi đến đầu làng, bố bảo thôi con đi bộ về nhà trước, đã lâu con không về, ông bà chắc rất nhớ, bố tạt qua chợ huyện, mua chút thức ăn, đồ thắp hương, sáng nay con về sớm, chưa chuẩn bị được gì :
Mình lững thững rảo bước qua con đường làng quen thuộc, nay đã trải bê tông, đường làng to hơn, rộng hơn, không còn con đường đất thủa xưa, nhưng cảm giác mỗi lần bước đi vẫn thân thuộc như vậy, trời cũng vừa hửng nắng, sương sớm còn đọng trên mặt kênh ven đường, mùi cỏ mới, mùi rơm rạ cũ bốc lên ngào ngạt …
Thoáng thấy bóng mình từ xa, ông bà nội mừng quýnh, tất tả chạy ra mở cổng đón thằng cháu đích tôn đã lâu không về, hỏi thăm đủ chuyện làm mình có phần rối, chẳng trả lời ông bà được mấy, lúc bà đi bắc bếp thì cơn buồn ngủ kéo tới, mình nằm trên ghế băng thiếp đi lúc nào chẳng hay.
Quãng trưa bố lay mình dậy, ông bà đã dọn sẵn mâm cơm, chắc cố ý để cho mình ngủ nên cả buổi sáng chẳng ai đánh thức, về quê bao giờ cũng được chiều như thế, ngồi vào mâm nhưng không thấy bà nội đâu, bố bảo bà có hẹn với mấy cụ trong làng đi chùa từ sớm, nên đã ăn cơm sớm và đi lên chùa, con ăn cơm rồi lên chùa đón bà về …
Nhìn đồng hồ cũng đã quá trưa, bụng đói cồn cào, mình ăn vội bát cơm rồi chuẩn bị dắt xe đi đón bà, lúc dắt xe qua cổng ông nội đưa cho một túi đồ lễ, ông nói đây là lễ chùa bà chuẩn bị riêng cho mày từ sớm nhưng sáng bà lỉnh kỉnh quá nên quên mang theo, giờ lên chùa thì mang theo đưa bà
Ở xã bên có ngôi chùa cổ từ thời Trần, Chùa Vĩnh Nghiêm, nổi tiếng nhất tỉnh, ngôi chùa nổi tiếng vì có Mộc bản – là những bản in kinh phật làm từ gỗ Mít : Nghe đâu những Mộc bản này rất quý, đã được xếp hạng quốc gia, vì mộc bản là mình chứng cho việc kinh phật được khắc và in ấn tại chính Việt Nam, mang đậm bản sắc người Việt, chứ không phải từ nơi khác đem đến (…)
Ngôi chùa khá linh thiêng, thường có nhiều đoàn khách từ khắp nơi ghé thăm
Hôm nay chắc gần dịp lễ nào đó, khách thập phương rất đông, tìm một vòng quanh chùa không thấy bà nội, mình bèn dạo qua khu trưng bày Mộc bản, phần vì bản thân không tín nên vào chùa chẳng biết đi đâu, phần cũng muốn xem lại Mộc bản xem còn nhiều không (mỗi năm chùa lại bị kẻ gian vào cuỗm đi vài cái mộc bản !!!)
Đúng như dự đoán, mộc bản trong chùa giờ đã ít đi nhiều, chỉ còn vài cái cũ kỹ đang trưng bày trong tủ kính …
Đang lang thang thì thấy có một chị đang xin xăm, chị trông còn trẻ, cỡ ngoài 30, nhưng thân hình gầy còm, lam lũ – chị xin xong quay ngược quay xuôi lá xăm như đang băn khoăn điều gì lắm, khiến mình chú ý : Vừa hay chị thấy mình đang bước đến gần, chị bèn gọi với lại nhờ đọc mấy chữ trên lá xăm (…)
Mình cũng hơi hoảng, vì mấy khoản tâm linh cũng không thông thạo, nghĩ xăm lại là hán tự thì cũng chào thua, may thay lúc lại gần xem thì là mấy câu thơ tiếng Việt, thế là mình đọc cho chị nghe
Chị chăm chú nghe từng câu mình đọc, mình để ý thấy chị rất tập trung, chị không chỉ nghe mà mắt còn dõi theo khẩu hình miệng khi mình đọc
Như chợt nhận ra vấn đề mình bèn hỏi “Có phải chị không đọc được không ?!”
Chị cười thỏ thẻ bảo “Ừ, chị không biết chữ”
Mình hơi bất ngờ vì Bắc Giang cách thủ đô Hà Nội không xa, ở quê nhiều năm đây là lần đầu mình gặp một đồng hương không biết chữ viết …
Như hiểu ra nỗi thắc mắc của mình chị tiếp “Chị gốc là người Bắc Giang, nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ nhỏ theo cha vào vùng kinh tế mới tận Đắc Lắc, cuộc sống cũng vất vả lam lũ nên chị cũng không học hành gì cả, lần này có việc gia đình nên mới về Bắc Giang, cũng đã hai chục năm chị không về thăm quê rồi …”
Trò chuyện với chị được đôi câu thì thoáng thấy bà nội, có vẻ như bà cũng đang đi tìm mình, bèn vội chào chị rồi chạy ra gặp bà, bà nội dẫn mình vào gian chùa chính, đoạn lấy lễ mình đang cầm trên tay đặt lên gian thờ rồi bảo mình thành tâm cầu khấn, không cần cầu nhiều, chỉ cầu bình an – bà ghé tai nói nhỏ bảo năm nay là năm đại hạn, nên chỉ cầu bình an – mình vốn không tín, nhưng nghe vậy cũng ngoan ngoãn làm theo cho bà yên lòng.
Vèo phát hết thời gian nghỉ phép, mình lại đáp máy bay trở lại Sài Gòn, công việc sau phép chất đống nào lịch trực, lịch hội thảo, lịch học, lịch thi nghiệp vụ, lịch tập huấn …vv khiến mình bở hơi tai …
Một buổi chiều sau khi đi học về, nhận bàn giao từ tua trực trước, đang loay hoay xem hồ sơ thì điều dưỡng báo có một bệnh nhân sốt 38,5 độ C vào cấp cứu, mời anh ra khám xem, mình vừa ôm hồ sơ vừa khoác áo chạy ra : Khoa cấp cứu đầu giờ chiều khá vắng, chỉ còn mấy bệnh nhân lưu từ trước, nên thấy bệnh nhân mới nằm trên giường mình nhận ra ngay, vừa liếc qua bảng sinh hiệu ban đầu vừa đến cạnh giường hỏi bệnh :
Thấy một bệnh nhân đang nằm đắp áo khoác, mắt nhắm nghiền tay vắt ngang trán vẻ đờ đẫn, mình cất tiếng hỏi : “Chị bị sốt như thế nào đây, sốt đã bao lâu rồi, ngoài sốt ra còn vấn đề gì bất thường không ???”
Vừa nghe tiếng hỏi bệnh nhân bèn mở mắt, bỏ tay khỏi trán, rồi như bừng tỉnh, bệnh nhân ngồi dậy hồ hởi : “Ồ, không ngờ gặp lại em, em là bác sĩ đấy à ???!!!”
Rồi chưa kịp đợi mình trả lời bệnh nhân nói cười dồn dập đến quên cả cơn sốt : “Chị là đồng hương Bắc Giang với em đây, lần trước gặp em ở “chùa La” ấy, nhờ em đọc cho quẻ xăm đấy …”
Trí nhớ mình cũng không tệ, nên nhắc đến là nhớ ra ngay, mình cũng hỏi thăm
“em tưởng chị ở Đắc Lắc ??? Sao chị lại vào viện em, lại ở giữa Sài Gòn nữa chứ …”
Chị kể liền tù tì một chập :
“Ở nhà làm mướn mãi khó khăn quá, đợt này có người quen giới thiệu cho công việc chăm sóc cho một cụ già cán bộ cấp cũng cao – đang bị bệnh nằm một chỗ ở nhà, nên chị mới khăn gói lên Sài Gòn mới được tháng nay chứ bao nhiêu, mà mấy hôm nay chắc dính mưa gió nên tự nhiên bị sốt, ông cụ kia hay khám bệnh ở bệnh viện này nên hôm nay chủ nhà đưa chị vào đây khám …”
Mình bảo thôi hai chị em gặp nhau thế này cũng có duyên, để em kiểm tra cho chị
Mình cho chị nằm nghỉ, uống nước, hạ sốt bằng Paracetamol rồi lấy máu xét nghiệm, công thức máu về Bạch cầu không tăng, chụp phổi không thấy vấn đề gì bất thường, kiểm tra da niêm mạc cũng không có dấu hiệu xuất huyết, nghe chị mô tả cơn sốt ở nhà hai hôm nay nghĩ nhiều đến bệnh cảnh sốt siêu vi, mình làm hồ sơ cho chị nhập nội trú khoa truyền nhiễm để tiện theo dõi, không quên động viên chị cố gắng xin nhà chủ cho nghỉ mấy hôm nằm viện cho hết sốt rồi về …
Suốt mấy ngày nằm viện thỉnh thoảng mình lên thăm chị ở khoa truyền nhiễm, khi thì tranh thủ lúc giữa giờ giao ca, lúc giải lao hay tối đi học về muộn … một mình ở Sài Gòn nên chị nhẽ cũng buồn, mỗi lần mình đến thăm, dù là không quà, cũng chẳng có thời gian nán lại lâu vì còn bận việc dưới khoa cấp cứu, nhưng chị đon đả thấy rõ, kể chuyện sởi lởi cả : Dần đà mình hiểu thêm về hoàn cảnh của chị :
Chị sinh năm 81, nhưng lấy chồng sớm, năm 16 tuổi đã kết hôn, 17 tuổi sinh con trai đầu lòng, con trai thứ đang học lớp 7, chồng chị người Đắc Lắc, cả nhà ngoài con út là được học hành, còn lại cũng chỉ làm nương làm rẫy quanh năm suốt tháng, chị khoe con lớn nhà chị mới đi nghĩa vụ quân sự sau tết …
Nằm viện được mấy hôm thì chị bớt sốt, dần dần chẳng phải dùng thuốc hạ sốt nữa, toàn bù điện giải và vitamin, chắc do chị lao động quen, nên thể trạng tốt hơn người bình thường, bệnh mau lui – đáng lẽ đầu tuần chị được xuất viện !!! Nhưng buổi sáng ngày chủ nhật chị sốt cao, lại thêm đau họng ho như quốc, mình sáng chủ nhật cũng vào tua trực, bệnh nhân dưới cấp cứu rất đông, thành ra mình chưa qua thăm chị được. Lúc ăn sáng ở căng-tin, bác sĩ điều trị cho chị trên khoa truyền nhiễm đã trao đổi với mình là hôm nay chị sốt trở lại, thêm vấn đề ho, soi họng thấy sưng nề dữ lắm – khả năng là một đợt bội nhiễm vi khuẩn sau sốt siêu vi, có lẽ phải dùng một đợt kháng sinh, chắc anh bác sĩ điều trị thấy mình hay chạy qua chạy lại thăm hỏi, nên nghĩ thân quen, nhân tiên trao đổi trước với mình, mình nghĩ cũng đồng ý, vì khai thác tiền sử từ trước đến giờ chị không dị ứng với bất cứ thứ gì, phiếu dị ứng cũng đã đọc kỹ cho chị đánh dấu, còn lưu trong hồ sơ, thôi đánh một đợt kháng sinh cho chị nhanh khỏi bệnh …
Tầm trưa, vẫn đang trực dưới cấp cứu thì nghe tin báo từ trên khoa “chị đồng hương của em đang sốc phản vệ nặng lắm” Mình vội vàng chạy lên, chị đang vào cơn shock, huyết áp tụt nhanh chóng, đầu chi lạnh, đã có dấu hiệu phù mạch và thở rít, các bác sĩ đang xử trí Adre tiêm bắp nhưng không có đáp ứng – ngay lập tức mình xử trí Adrenalin truyền tĩnh mạch, bù dịch , đảm bảo đường thở rồi cùng một ê kíp chuyển chị xuống khoa hồi sức – là nơi mình trực tiếp làm việc và cấp cứu cho chị (…)
Tình trạng của chị xấu đi nhanh chóng, huyết áp tụt không đo được, phù phổi tổn thương, miệng trào những bọt hồng, phải nội khí quản thở máy !!!
Những giờ phú tiếp theo là những giờ phút dành giật sự sống cho chị, khi chị ngừng tim liên tục, cả ê kip thay nhau cấp cứu ngưng hô hấp tuần hoàn mong cứu lại trái tim, chị phù phổi tổn thương tái diễn, khí máu toan nặng, diễn biến suy đã cơ quan …
Bên chị lúc này ngoài mình và kíp trực, chẳng có một người thân, bố và chồng chị đang trên đường từ Đắc Lắc xuống Sài Gòn ngay từ khi nhận được tin chị trở nặng
Gần sáng, khi người thân chị đến bệnh viện, cũng là lúc chị rơi vào rung thất, sốc điện không hiệu quả …
Chị ra đi .
Bố chị ôm chị khóc
Chồng chị ôm con khóc
Anh ruột chị như phát điên, tìm thấy mình, anh đập bàn ghế, anh chỉ thẳng mặt mình nói rằng em tao chết là do mày, mày chỉ là cái loại bác sĩ cứt (!!!)
Mình đứng trân trân, chịu trận (…)
Rồi mọi sự hỗn loạn cũng tạm lắng, tất cả vì lo hậu sự cho người đã khuất
Buổi chiều mình theo xe về Đắc lắc, dự đám tang của chị, chẳng hiểu sao mình có được sự dũng cảm đấy, về nơi chị sống chỉ toàn là nương rẫy rộng thênh thang, nắng gió, những mái nhà lá lụp xụp liêu xiêu, đám tang chị người con lớn vẫn trong doanh trại chưa kịp về, người con thứ mặc áo tang chống gậy nhận mâm lễ, bố chị kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào kẻ tội đồ là mình, rồi mọi thứ cũng qua rất nhanh, chị an nghỉ nơi đất lạ, mình lại theo xe về lại Sài Gòn
Suốt một đêm không ngủ, mình thiếp đi lúc nào không hay, trong cơn mộng mị mình thấy chị ngồi ghế bên cạnh từ bao giờ, khẽ lay mình dậy trò chuyện, chị nói nghe rất rõ ràng rành mạch, mình còn cảm nhận rõ sự bình thản nơi chị : Rằng “Chị đến gửi lời chào, cảm ơn em đã cố gắng đến phút cuối cùng, số chị đã tận, em đừng tự trách, chị đã như có điềm báo kể từ khi gặp em ở chùa Vĩnh Nghiêm, quẻ hôm đó em đọc lúc sau sư thầy giải cho là điềm tử, dặn chị cố gắng thu xếp, làm nốt những việc còn dang dở và khuyên chị đừng đi xa …”
Nói rồi chị như tan biến mất.
Mình giật mình choàng tỉnh cơn mộng, mồ hôi ướt sũng bộ quần áo đang mặc, nhìn đồng hồ đã gần sáng, mình đang nằm trong bệnh viện : Hoá ra tất cả chỉ là một giấc mơ …
Mình tỉnh dậy thay đồ, chỉ còn vài giờ đồng hồ nữa là đến giờ nhận trực
Giao ban buổi sáng và nhận bàn giao bệnh nhân nặng xong, mình chuẩn bị đi buồng thì điều dưỡng hành chính đưa cho một xấp hồ sơ dặn bác sĩ Hùng hôm nay cố gắng hoàn thành nốt mấy hồ sơ bệnh án còn thiếu, để sáng thứ 2 đưa về kho lưu trữ … tuần vừa rồi mình trực cách ngày ba buổi liên tiếp, nên hồ sơ cũng nhiều, lại không có thời gian làm nên cuối tuần chất đống : mình bất giác cầm lấy tập hồ sơ nằm trên cùng, một bệnh nhân nữ sốc phản vệ tử vong cách đây đúng một tuần vẫn chưa làm bệnh án, hồ sơ cũng chưa được bổ sung giấy tờ đầy đủ, nhẽ do người nhà ở xa còn chưa quay lại thanh toán viện phí, còn phần tổng kết ra viện mình vẫn chưa làm – nghĩ thế nào lật giở qua hai tờ đầu bệnh án, một mảnh giấy A4 chưa kịp dán keo mà bung ghim rơi xuống, mình cúi xuống nhặt, là bản sao chứng minh thư người bệnh, bất giác liếc qua phần nguyên quán : bệnh nhân nữ sinh năm 1981, nguyên quán Bắc Giang …
Sài Gòn
Ngày cuối tháng 5.2019
“… Đường Về”
Đã rất lâu không được đọc bài viết mới của bác sĩ! Mình liền tìm lại các bài viết cũ …