Những Việc Không Tên ?!
Suốt thời đi học đại học Y, mình đã luôn nghĩ rằng việc quan trọng nhất của người bác sĩ : Là không ngừng học tập nâng cao chuyên môn, vì cuối cùng thì làm thế nào để có thể chữa khỏi được căn bệnh, hay nhân văn hơn là cứu được tính mạng, giúp được người bệnh trở về với cuộc sống bình thường …vv đấy mới chính là mục đích cuối cùng của mọi quá trình !!!
Tất cả những yếu tố khác : như trang phục, đầu tóc (cơ bắp cuồn cuộn) thậm chí là thái độ giao tiếp, cư xử …vv đều không giúp ích cho chuyên môn !!!
Thế mà sao lắm việc không tên đến thế ???!!!
——-***——-
Nhà nọ có 2 vợ chồng già, người vợ không may nhiễm trùng huyết, viêm phổi, thở máy, chạy thận nhân tạo trường kỳ kháng chiến trong phòng hồi sức đã mấy tháng nay, gia đình đã kiệt quệ (mặc dù đã có bảo hiểm y tế chi trả 80% chi phí theo danh mục quy định) nhưng vẫn còn hàng trăm chi phí khác, hai vợ chồng không có con cái, trước tình cảnh đã đến bước đường cùng người chồng quyết định bán căn nhà hai vợ chồng đang ở tại một quận trung tâm trong Tp Hồ Chí Minh để có kinh phí tiếp tục điều trị (!!!)
Việc gia đình người bệnh cầm cố/bán tài sản với các tổ chức tài chính hay hợp đồng dân sự cũng không phải là chuyện hiếm, nhất là trong xã hội hiện tại, có đến hàng trăm nghìn lý do để dẫn đến kết cục như vậy, phúc lợi xã hội chưa thật sự đầy đủ, người dân không biết cách tự quan tâm đến sức khoẻ của chính bản thân mình, thói quen ăn uống sinh hoạt sử dụng rượu bia, thuốc lá, chất kích thích bừa bãi, không kiểm tra sức khoẻ định kỳ, môi trường sống ô nhiễm …v.v đều là lỗi hệ thống và không có cách nào thay đổi trong một sớm một chiều
Quy trình bán nhà sẽ như sau : Luật sư, công chứng viên cùng người chồng gặp bác sĩ điều trị xác nhận người vợ đủ sức khoẻ (đầu óc minh mẫn tỉnh táo) để thực hiện hợp đồng mua bán, công chứng viên lấy chữ ký / vân tay uỷ quyền và thực hiện hợp đồng mua bán / cầm cố dân sự gì đó …
Tưởng mọi chuyện đơn giản ai ngờ phức tạp không tưởng :
-Đầu tiên là họ hàng bên người vợ vào gặp bác sĩ điều trị (là mình) yêu cầu không xác nhận tình trạng sức khoẻ của bà, vì lo ngại người chồng sau khi bán nhà xong sẽ không dùng số tiền đó tiếp tục chữa bệnh cho bà vợ ???!!!
-Tiếp theo là thanh niên luật sư bên văn phòng luật tìm gặp riêng bác sĩ điều trị (là mình) tâm sự bảo : Hợp đồng này giá trị quá lớn, xong em cũng được phần trăm một khoản kha khá nhưng em cảm thấy lương tâm không cho phép – theo bác sĩ em có nên tiếp tục làm nữa hay là không ???!!!
-Sau đó là ông chồng cũng vào gặp bác sĩ điều trị là mình hỏi bây giờ chữa tiếp thì bà có sống được lâu nữa không để cân nhắc bán nhà ???!!!!
Thế là cả 3 “thế lực” ở trên cứ liên tục băn khoăn, gọi điện, xin ý kiến bác sĩ điều trị – là mình bảo “theo bác sĩ nên làm thế nào ???!!!!”
Ớ tôi chỉ là thằng bác sĩ điều trị thôi, tôi chỉ biết chữa bệnh !!! chứ có phải nhà xã hội học đâu mà biết làm thế nào, càng không biết buôn bán bất động sản để có thể đưa ra ý kiến …
Mà trả lời kiểu gì cũng chết (!!!)
-Cuối cùng là mỗi buổi sáng đi khám bệnh thì bản thân bệnh nhân cũng nắm chặt tay mình lắc lắc đầu ý bảo đừng để ông chồng bán nhà rồi rơi nước mắt …
Quả thật khó …
Gia đình nọ có hai vợ chồng ông cụ bà cụ đều nằm hồi sức, ông cụ già, tai biến liệt nửa người, sa sút trí tuệ, nằm một chỗ, loét vùng lưng, mông và cùng cụt do nằm lâu (loét do tì đè) cộng thêm một danh sách bệnh tim mạch, nội tiết, chuyển hoá, tiêu hoá, xương khớp biến chứng kèm theo nữa – bệnh nhân quen thuộc của khoa hồi sức, cứ ra vào viện như cơm bữa !!! Cụ bà cũng tai biến cũ, nằm một chỗ nhưng ít bệnh hơn, thể trạng tốt hơn, tuổi ít cao hơn so với cụ ông nên vẫn còn minh mẫn : Đợt này cả cụ ông và cụ bà đều nhập viện cùng lúc, mặc dù đông nghịt bệnh nhân nhưng khoa vẫn cố gắng xắp xếp cho hai cụ nằm chung một phòng để con cháu tiện đường chăm sóc – tưởng thế là đơn giản hợp tình hợp lý, ai ngờ phức tạp không tưởng
Bây giờ con cháu hai cụ bận đi làm kiếm tiền, nên không trực tiếp túc trực ở bệnh viện chăm hai cụ được, đành thuê một cô làm công việc chăm bệnh trong bệnh viện, trả lương tháng rất cao, bà cụ hàng ngày thấy cô giúp việc lau rửa, vệ sinh cơ thể cho chồng mình thì nổi máu ghen tuông (!!!) bắt đầu chửi bới, ném đồ đạc làm loạn trong phòng suốt ngày suốt đêm (???!!!)
Quả thật rất khó vì thời điểm gần tết thuê người giúp việc chăm bệnh hơi bị khó, gia đình đã phải trả một khoản tiền rất lớn mới tìm được người làm
Bây giờ con cháu cụ lại yêu cầu bác sĩ điều trị – là mình – đổi phòng hay làm thế nào để cụ bà không “ghen tuông” đi ???!!!
Ơ mình chỉ là thằng bác sĩ điều trị, mình chỉ biết cho thuốc chữa bệnh, chứ giờ muốn mình làm gì ???!!!!
Bệnh nhân nữ trẻ tuổi, viêm phổi nặng, lại mang thai 17 tuần, nghi nhiễm HIV đang đợi kết quả xét nghiệm, hôm có kết quả chẩn đoán xác định người bệnh bị nhiễm virus HIV, gọi bố mẹ nội ngoại hai bên vào tư vấn, khuyên họ lựa lời khuyên nhủ, làm nghiệm pháp tâm lý giải thích cho người bệnh tránh tình trạng sốc / xúc động thái quá khi thông báo bệnh … người nhà bảo không biết gì về chuyên môn, từ chối, đùn đẩy rồi chốt : yêu cầu bác sĩ tự đi giải thích, tội vạ đâu chúng tôi chịu (!!!) bác sĩ vào bệnh phòng chưa kịp thông báo gì, bệnh nhân tuyên bố, nếu bác sĩ thông báo em bị dương tính em sẽ nhảy lầu tự tử chết cả mẹ lẫn con ???!!!!
Ơ thế bây giờ thì phải làm thế nào ???!!!!
Thực sự quá khó …
Người bệnh ung thư phổi di căn, toàn thân suy kiệt, cân nặng chưa được 35kg, các bệnh viện lớn trong thành phố đã từ chối điều trị, yêu cầu về chăm sóc giảm nhẹ !!! Đợt này con cái thấy bố nằm nhà sốt cao, lơ mơ thở khò khè mới vác vào viện
Vào viện thấy một tình trạng suy hô hấp, viêm phổi nặng, đang chuẩn bị đặt nội khí quản cho thở máy thì ông con yêu cầu bác sĩ không được cắm ống, không thở máy, không làm bất cứ can thiệp gì lên cơ thể cụ ???!!!
Bác sĩ điều trị – là mình – mới hỏi thế mục đích gia đình đưa cụ vào bệnh viện là gì , ông con trả lời tỉnh bơ : đưa vào để chờ chết chứ chẳng lẽ chết ở nhà ???!!!
Cũng không thể không làm gì được, thế là mới chơi tất tay, đánh kháng sinh liều cao, truyền dinh dưỡng, ăn uống, chăm sóc tích cực nâng cao thể trạng – dần dần ông cụ hết sốt, kiểm soát được nhiễm trùng, tăng cân … một thời gian sau bệnh nhân hồi phục có thể xuất viện về chăm sóc tại nhà
Lúc chuẩn bị người bệnh xuất viện, ông cụ kéo áo bác sĩ nói nhỏ bảo “bác sĩ đừng cho tôi về nhà, về nhà mấy thằng con chúng nó không cho tôi ăn uống gì cả khổ lắm …”
Và hàng ngàn câu chuyện tương tự đang hàng ngày hàng giờ diễn ra trên khắp các bệnh viện ở khắp mọi nơi
Bệnh viện luôn là nơi phản ánh hiện thực xã hội chân thực nhất
Để thấy được rằng thực sự xã hội này – ở bất cứ lĩnh vực nào – cũng đang vô cùng thối nát chứ không hề đẹp đẽ như vẻ bề ngoài
Hãy ngừng ảo tưởng
Hãy để cho người bác sĩ được yên tâm làm công tác chuyên môn theo đúng nghĩa …
cám ơn chia sẻ của a !